TS. Trần Khắc Tâm: Logistics chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế

Thế Anh Thứ sáu, ngày 03/11/2023 06:10 AM (GMT+7)
TS. Trần Khắc Tâm cho rằng, hiện nay, cơ sở hạ tầng logistics, sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.
Bình luận 0

TS. Trần Khắc Tâm nói về lợi thế phát triển hạ tầng logistics. Nguồn: Thế Anh

Chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế

Như Dân Việt đã thông tin, sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ đón luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn trong thời gian tới. Để chuẩn bị hấp thụ nguồn vốn FDI đó, một trong những việc cần làm là đẩy mạnh logistics với nhiệm vụ trước mắt là cần tập trung tăng cường các mối liên kết trong ngành... logistics.

Trao đổi với PV Dân Việt về những vấn đề này, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế khi chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương".

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... trong nước và với khu vực còn yếu.

TS. Trần Khắc Tâm: Logistics chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế - Ảnh 2.

TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VNC

"Chi phí dịch vụ logistics còn cao, thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam đang diễn ra cạnh tranh gay gắt", TS. Trần Khắc Tâm chỉ ra vấn đề.

Ví dụ: ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

ĐBSCL có tiềm năng về địa hình phát triển giao thông: Có đường bờ biển dài 700 km và trên 360 nghìn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng.

Cùng đó là tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP.Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ...

TS. Trần Khắc Tâm cho biết, ĐBSCL còn có Cảng biển nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được Chính phủ quy hoạch, tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78 của Chính phủ xác định đến năm 2030 phát triển Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thành cảng đặc biệt và là cửa ngõ của vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, ĐBSCL rất thuận lợi phát triển nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

ĐBSCL còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng (chiếm 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tới hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước).

Nếu hàng hoá nông nghiệp vận chuyển đường bộ thì chi phí cao hơn so với đường sông, đường biển. Vì vậy khi hình thành được cảng biển này sẽ tiết giảm được chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ĐBSCL có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, đặc biệt phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.

TS. Trần Khắc Tâm: Logistics chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế - Ảnh 3.

Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển logistics. Ảnh: TA

TS. Trần Khắc Tâm cho rằng: "Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, lạm phát tăng cao".

"Để thu hút được nguồn vốn từ các nguồn lực của xã hội vào hạ tầng logistics, các bộ, ngành, cần có những có chế giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp các loại giấy phép và chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước đầu tư vào Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông", TS. Trần Khắc Tâm nói.

Dư địa để giảm chi phí logistics còn nhiều

Trên thực tế, từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát lĩnh vực logistics gặp nhiều khó khăn, do có nhiều doanh nghiệp bị phá sản, lạm phát tăng cao, giá xăng dầu có nhiều biến động.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Thành Cát Đại Lợi (thương hiệu taxi tải Việt Nhật) cho biết: "Đến nay, thị trường vận chuyển hàng hoá bị sụt giảm nghiêm trọng".

TS. Trần Khắc Tâm: Logistics chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Thành Cát Đại Lợi (thương hiệu taxi tải Việt Nhật). Ảnh: Thế Anh

"Với doanh nghiệp của chúng tôi bị sụt giảm tới 60%, do đối tác của chúng tôi bị phá sản và nguồn hàng hoá để vận chuyển cũng giảm nghiêm trọng", ông Hoàn cho hay.

Theo ông Hoàn, sau dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng cao khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, do đó, Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế phí, phí đường bộ.

Nói về hoạt động logistics, đại diện Bộ GTVT cho biết, chi phí logistics những năm vừa qua đã có cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2022, logistics chiếm 16,8% GDP (trong khi những năm trước là 21% GDP) nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, bình quân thế giới chiếm chỉ khoảng 11%.

Hiện, chúng ta đã ở mức tiệm cận được với chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại chiến lược phát triển logistics của Việt Nam là đến năm 2025 chi phí logistics chiếm khoảng 16-20%.

Điều này minh chứng chỉ số về hiệu quả logistics của Việt Nam và vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố khi nước ta xếp 43/139 nước và khu vực ASEAN đứng vị trí thứ 4, đây là kết quả ban đầu để phấn đấu.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, dư địa để giảm chi phí logistics còn nhiều, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ Bộ Công Thương và các bộ ngành tập trung giải quyết 1 số giải pháp trong đó phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đầu tư các cảng cạn trung tâm lo để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Trong đó, Bộ GTVT tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối cảng biển với cao tốc và đường thủy nội địa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem