TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu

Thứ năm, ngày 18/02/2021 06:34 AM (GMT+7)
Khi cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên dần xa, phá Tam Giang (TT-Huế) trở lại hiền hòa, êm dịu. Lũ tôm, cá được rừng ngập mặn bao bọc, che chở tràn ra vùng đầm phá, ngư dân thỏa sức vẫy vùng buông lưới, giăng câu.
Bình luận 0

Đồng lòng ra phá

Màn mưa dày đặc, tiết trời se lạnh những ngày đông vẫn không cản được ngư dân Lê Hùng ở Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Một đời ngư phủ miền sông nước Tam Giang, có lẽ chưa bao giờ ông Hùng được nở một nụ cười thật mãn nguyện giữa vùng sông nước mênh mông trong giá rét. 

Khua nhẹ mái chèo, xuồng cứ dập dềnh buông lưới trên sông, ông Hùng cười giòn: “Một thời tìm đỏ mắt không có cá, tôm để bủa, chừ dồi dào không lẽ ngồi khoanh tay”.

TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu - Ảnh 1.

Ngư dân Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu hoạch dừa nước bán cho HTX Thủy Lập sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Khi cả ngàn mét lưới được được thả, ông Hùng cho xuồng tấp vào bờ tranh thủ trò chuyện một thời mưu sinh trên vùng đầm phá được ví “bảo tàng nước” lớn nhất Đông Nam Á này. 

Ông Hùng trải lòng, các thế hệ chôn nhau cắt rốn, lớn lên và trưởng thành của ngư phủ Tam Giang, nhiều người đỗ đạt đại học, thạc sĩ, có người tiến sĩ cũng nương nhờ vào vùng đầm phá Tam Giang, là “bầu sữa” của bao phận người.

TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu - Ảnh 2.

Khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế).

“Ấy thế mà, những cái tên tôm rảo, tôm đất, bống thệ, lươn đồng, kình, dìa, chình, cua đầm phá... một thời dồi dào, nổi như cồn bỗng trở nên khan hiếm đến lạ thường. Nói lạ là bởi áp lực cuộc sống mưu sinh bộn bề, chính ngư dân ra tay tàn phá, khai thác nguồn lợi quá mức, trái phép mà họ không hề hay biết. Rồi thuyền neo bến bờ, ngày ngày ngư dân cứ nhìn về phía đằng xa đầm phá chỉ để tiếc nuối, ngẫm một thuở cá, tôm khoang đầy”, ông Hùng tặc lưỡi.

Một ngày khi nhận ra lầm lỗi, một đời ngư phủ như ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao...ở Ngư Mỹ Thạnh luôn ấp ủ khát vọng tái sinh nguồn tôm, cá, cũng như tìm lại nguồn tài nguyên quý giá trên vùng đầm phá cho con cháu đời sau. 

Ông Hùng nói, nghe có dự án trồng rừng ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên Huế “làm tổ” cho cá, tôm trú ngụ, sinh sôi, ngư dân mừng lắm! Khi dự án được triển khai, không ai bảo ai, ngư dân Ngư Mỹ Thạnh đồng lòng ra phá giúp cán bộ kiểm lâm, chính quyền, người vận hỗ trợ chuyển vật dụng, người trồng cây gây rừng...

TT-Huế: Lũ cá, tôm từ rừng ngập mặn tràn ra đầm phá, dân thỏa sức vẫy vùng giăng lưới, buông câu - Ảnh 3.

Du khách tham quan rừng ngập mặn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua bao năm tháng, những cây đước, cây bần, dừa nước, mắm... sinh sôi mặc cho trời lắm lúc hanh hao, giông tố, lũ cuồn cuộn đổ về. Rừng 1-2 năm tuổi bắt đầu trưởng thành cho đến nay đã khép tán với diện tích 45,57 ha, trở thành “tổ ấm” lý tưởng cho các loài thủy sản cư ngụ, sinh sôi. 

Sau những ngày sông nước giận dữ, các loài thủy sản như tôm, cua, tép và nhiều loài cá từ khu rừng ngập mặn tràn ra vùng đầm phá Tam Giang rất dồi dào. Chỉ vài giờ dong thuyền trên đầm phá quanh rừng ngập mặn với những mẻ cá mú, lươn đồng, kình, bống thệ, dìa tự nhiên, hoặc nơm cua, tôm... dưới những tán rừng, ông Hùng, ông Hạnh, ông Thao... có thể thu nhập 400.000-500.000 đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho hay, khi những cây dừa, bần, đước… đã nhú chồi, ngư dân vẫn chưa tin tưởng lợi ích lâu dài. Giờ đây, hiệu quả từ rừng ngập mặn thấy rõ, lãnh đạo và nhân dân địa phương mừng lắm! 

Hằng đêm ngư dân địa phương và các xã lân cận ra phá khai thác thủy sản trong và xung quanh rừng ngập mặn, thu nhập bình quân mỗi người từ 200.000-300.000 đồng. Những người từng chê “con tép” thì giờ đã nghĩ lại, bởi hai năm nay, ngư dân Quảng Lợi trúng đậm khai thác tép trong và quanh khu rừng ngập mặn, doanh thu mỗi năm trên dưới 20 tỷ đồng, là điều từ trước đến nay chưa từng có ở địa phương.

Tìm lại những loài chim quý

Trong ký ức những bậc cao niên các xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), xã Điền Hòa (huyện Phong Điền), hơn 40 năm về trước, một khu tràm chim rộng lớn vẫn còn hiện hữu ở phía hạ lưu vùng cửa sông Ô Lâu, nơi giao thoa giữa hai nguồn nước ngọt, lợ đổ về từ đầm phá Tam Giang và sông Ô Lâu. 

Những tán nhô trong lùm bụi được tạo nên bởi các loài tre, nứa, keo, tra, mưng hoa đỏ, sến nước, bòng bong, sậy điệp bánh bò, lác... là “ngôi nhà chung”, trú ngụ lý tưởng cho các loài chim. Các thảm thực vật như cỏ chát, cỏ mần trầu, cỏ chỉ sống thành bãi, cói, lục bình trên mặt nước làm bãi đáp cho các loài chim đến tìm kiếm thức ăn.

Chiến tranh đi qua, vấn đề lương thực đảm bảo an sinh xã hội buộc người dân “khai tử” khu rừng quý hiếm này thành những đồng ruộng lúa. Nơi trú ngụ lý tưởng cho các loài chim không còn, trong đó nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, thế giới buộc phải di cư.

Ông Nguyễn Tuấn ở xã Quảng Thái tiếc nuối: Hồi trước, vùng cửa sông Ô Lâu, nơi có khu tràm chim đẹp tựa như tranh. Tui không nhớ rõ có bao nhiêu loài chim bản địa, cư trú ở đây, nhưng nhớ những cái tên mà giờ đây khi nhắc đến có vẻ “xa lạ”, thậm chí không còn như sâm cầm, móng két, đầu vàng, chắt chân đỏ, già đẫy, ngỗng trời... 

Còn các loài gà nước, vịt nước, đòm đòm, đà lả, ó, cá xám, mặt cắt, cú mèo, cà cưỡng, diều hâu, sột sột, đỏ mồng, đỏ mỏ, quạ đen, quạ khoang… thì vô số. Cò, vạc mỗi lần đến tìm kiếm thức ăn, trú ngụ thường phủ một màu trắng xóa trên những lùm cây.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1998, các chuyên gia tổ chức khảo sát, đánh giá cho thấy, vùng cửa sông Ô Lâu có khoảng 73 loài chim trong tổng số 103 loài chim phân bố trên toàn vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, tại vùng cửa sông này chỉ còn 31 loài chim.

“Sự ra đi” của các loài chim quý đã đành, đổi lại những đồng ruộng lúa mấy chục năm nay đem lại hiệu quả cũng không như mong muốn của nông dân vì thường xuyên nhiễm mặn, khô hạn. Và rồi…người dân vùng ven phá Tam Giang thuộc hai xã Điền Hòa, Quảng Thái vỡ òa niềm vui khôn xiết khi dự án trồng bản địa, rừng ngập mặn tái sinh tràm chim tại vùng cửa sông Ô Lâu đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt với diện tích ban đầu 40 ha tại xã Quảng Thái và 16 ha tại xã Điền Hòa. Đây sẽ là tràm chim lớn nhất trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, ông Phạm Công Phước rất vui khi dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai. Cư dân vùng đầm phá vui như mở hội, đồng tình ủng hộ chủ trương của tỉnh, quyết bỏ lúa trồng rừng. 

Dự án triển khai dựa trên cơ sở trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Lợi và một số địa phương ven phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành công từ mấy năm nay. Sự hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu chỉ còn là thời gian, mở ra cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã được thành lập (tháng 2/2020) thì việc hình thành tràm chim là một trong những mục tiêu quan trọng trong bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học tại vùng cửa sông Ô Lâu. Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai và hồi sinh tràm chim vùng cửa sông Ô Lâu còn đánh dấu hướng đi phù hợp của tỉnh trong xây dựng “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Hoàng Triều (Báo Thừa Thiên Huế)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem