Bạc Liêu: Vùng đất dân đổi đời nhờ mô hình "con tôm ôm cây lúa", nếu con tôm ôm lúa ST 25 thì giàu hơn

Thứ ba, ngày 16/02/2021 13:15 PM (GMT+7)
Là huyện nông thôn xa trung tâm tỉnh Bạc Liêu với nhiều thiệt thòi về kinh tế trong ngày đầu điều chỉnh địa giới hành chính, sau 20 năm chia tách, Hồng Dân đã vươn lên phát triển về mọi mặt. Đời sống người dân được nâng cao, trong đó, mô hình “con tôm ôm cây lúa” đã giúp nông dân thật sự đổi đời.
Bình luận 0

GIÀU LÊN TỪ TÔM - LÚA

Từ trung tâm thị trấn Ngan Dừa về xã Lộc Ninh, chúng tôi rẽ vào căn nhà tường khang trang của chú Diệp Văn Cọp (62 tuổi, ấp Bà Ai 2). 

Xuất phát điểm là nông dân nghèo, sau khi bắt tay vào sản xuất theo mô hình tôm - lúa, hiện chú là chủ của hàng trăm công đất với thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.

Bạc Liêu: Vùng đất dân đổi đời nhờ mô hình "con tôm ôm cây lúa", nếu con tôm ôm lúa ST 25 thì giàu hơn - Ảnh 1.

Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) thu hoạch tôm trên ruộng lúa. Ảnh: M.Đ

Chú Cọp là một trong những nông dân tiêu biểu ở huyện Hồng Dân. Từ hai bàn tay trắng, bằng sự cần mẫn siêng năng và đi theo định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, chú đã làm thay đổi ngoạn mục đời sống gia đình. 

Chú Cọp nhớ lại: “Năm 2016, khi các con đã dần yên ổn gia đình, vợ chồng tôi quyết định cất ngôi nhà này, sẵn làm luôn cái hàng rào tươm tất. Trước là để con cháu có chỗ vui chơi thoải mái, sau là cùng với địa phương tiến lên nông thôn mới, chỉnh trang cảnh quan nông thôn”. 

Tính thời giá lúc đó, căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng của chú Cọp là niềm mơ ước của nhiều người dân xứ này.

Ông Võ Minh Huy, Phó phòng NNPTNT huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Tôm - lúa là mô hình được các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng trên địa bàn. Với lợi nhuận khá cao từ 40 - 50 triệu đồng/ha, mô hình này đã giúp hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu”.

Bạc Liêu: Vùng đất dân đổi đời nhờ mô hình "con tôm ôm cây lúa", nếu con tôm ôm lúa ST 25 thì giàu hơn - Ảnh 2.

Cánh đồng tôm - lúa ở Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

NÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Vượt qua bất lợi của thiên nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiệu quả nên nền kinh tế nông nghiệp, thủy sản ở Hồng Dân phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân qua 5 năm đạt 7,5%. 

Năm 2020, tổng sản lượng lúa đạt trên 264.000 tấn. Thủy sản tăng trưởng tốt, chủ yếu là nuôi tôm sú, tôm càng xanh, xen canh cua, cá… với diện tích gần 26.000ha, tổng sản lượng ước đạt 44.000 tấn, tăng 11.600 tấn so với năm 2015. Diện tích luân canh tôm - lúa liên tục tăng đem lại hiệu quả cao.

Tiếp sức cho nông dân sản xuất bền vững, kết cấu hạ tầng phục vụ tôm - lúa liên tục được huyện Hồng Dân đầu tư. Hệ thống kênh cấp II, cấp III vượt cấp, thủy lợi, thủy nông nội đồng được nạo vét hàng năm; hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt, đê Xẻo Chích hoàn thành đảm bảo khép kín, chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn cho vùng tam giác Ninh Quới. 

Dự án hạ tầng tôm - lúa Vĩnh Lộc phục vụ đắc lực cho các xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A. Đặc biệt, công trình cống Âu thuyền Ninh Quới được Bộ NNPTNT đầu tư trên địa bàn đã góp phần quan trọng phục vụ điều tiết nước cho các phân vùng mặn - ngọt của 3 tỉnh, trong đó có huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu.

Từ tính ưu việt “con tôm ôm cây lúa”, tỉnh Bạc Liêu đang mở rộng diện tích tôm - lúa với giống lúa ST được bình chọn là gạo ngon nhất thế giới. 

Huyện Hồng Dân cũng đã quy hoạch 1.500ha trồng các giống ST 24, ST 25. Theo ông Nguyễn Văn Thới, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), vụ mùa năm 2019, nông dân đã trồng thử nghiệm, kết quả đạt năng suất khá cao, giá trung bình 7.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 30 triệu đồng/ha, chênh lệch hàng chục triệu đồng so với các giống lúa trồng trước đó.

Với lợi thế được chỉ ra là rất phù hợp để phát triển lúa ST 24, lúa ST 25, đồng thời nông dân còn được hỗ trợ giống, phân vi sinh, bao tiêu sản phẩm, xuân này, mô hình tôm - lúa lại hứa hẹn mang đến cho nông dân trong huyện cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cùng với nguồn tôm sạch, huyện Hồng Dân sẽ từng bước khẳng định mình để trở thành một trong những vùng trọng điểm sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu.

Thanh Hải (Báo Bạc Liêu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem