TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 12): Xác định những "cú đấm thép"

Nguyễn Anh - Yên Fong Thứ hai, ngày 09/08/2021 19:10 PM (GMT+7)
Sau khi ngậm ngùi nhận thất bại trắng tay tại Olympic Tokyo 2020, Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ phải đi tìm chiến lược và hướng đi mới cho các vận động viên, nhằm hướng đến những thành công ở các giải đấu lớn trong tương lai, cụ thể là Asiad 2022 và Olympic Paris 2024.
Bình luận 0

Nhìn vào tình hình chung của thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại, dễ thấy chúng ta còn quá nhiều việc phải làm trước khi nghĩ đến chuyện có thành tích ổn định tại các giải đấu lớn như Asiad hay Olympic.

Olympic Tokyo 2020 chắc chắn là một giải đấu đáng quên với thể thao Việt Nam. Nhưng vấp ngã này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại bản thân, thay đổi và phát triển.

Một cuộc cách mạng thực thụ để hướng đến những thành công sau thất bại tại thế vận hội vừa qua, đang là điều thể thao Việt Nam sẽ cần khẩn trương bắt tay vào thực hiện.

Tạo ra "cú đấm thép" để hướng đến Asiad 2022 và Olympic Paris 2024

Xác định những môn thể thao trọng điểm, có thể giành huy chương để đầu tư phát triển là điều chúng ta đã nói nhiều năm nay, nhưng sự thay đổi là chưa đáng kể. Thay vì những kế hoạch chung chung, thiếu định hướng, những người đứng đầu cần tìm ra một lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu tại Olympic.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 9): Xác định "cú đấm thép" tại những đấu trường lớn - Ảnh 1.

4 VĐV giành huy chương cho TTVN. Từ trái qua: Hoàng Xuân Vinh, Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn. (Ảnh: Tiền Phong).

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao khẳng định: "Các nhà làm thể thao phải căn cứ vào tình hình phát triển của khu vực và thế giới để đưa ra kế hoạch cho mình. Có thể thấy Thái Lan có 10 huy chương vàng ở các kỳ thì có tới 5 chiếc ở bộ môn cử tạ, 4 cái của boxing. Để làm điều này họ đã nuôi dưỡng hàng chục năm ròng. Malaysia lựa chọn nhảy cầu, cầu lông hay như Philippines chọn cử tạ và boxing. Họ nhắm vào từng hạng cân hay từng nội dung của môn thể thao đó để đầu tư rõ rệt và trọng điểm".

Rõ ràng, đã đến lúc cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta sẽ rất khó có huy chương Olympic ở các bộ môn như điền kinh, bơi lội… bởi khi ta mới mạnh lên thì đối thủ đã… quá mạnh. Thay vào đó, cần tập trung cho những nội dung cụ thể ở những môn chúng ta đã từng có huy chương, hoặc phù hợp với thể trạng của người Việt như cử tạ, taekwondo, bắn súng…

Xã hội hóa các môn thể thao trọng điểm

Trong khi nhiều đội tuyển lỡ hẹn với các chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo 2020 thì đội tuyển taekwondo Việt Nam lại có một kế hoạch tỉ mỉ cùng sự hỗ trợ của một doanh nghiệp lớn. Phó Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Vũ Xuân Thành chia sẻ: "Nếu chỉ trông chờ vào kinh phí nhà nước, taekwondo Việt Nam sẽ rất khó phát triển. Nhờ có đầu tư, đôi tuyển tự tin hơn trong việc đặt mục tiêu giành vé dự Olympic Tokyo 2020". Bài học về xã hội hóa hoạt động thể thao của bộ môn này nên được nhân rộng, khi sự đầu tư của nhà nước dành cho thể thao còn hạn hẹp.

Một ví dụ điển hình là cách làm của đội tuyển boxing Mỹ tại Olympic Tokyo 2020. Họ có một website riêng, trên đó công khai toàn bộ kế hoạch dự kiến để tiến tới Olympic, danh sách huấn luyện viên, tuyển thủ… Người hâm mộ cũng có thể quyên góp ủng hộ hoặc mua vật phẩm lưu niệm liên quan tới đội tuyển ngay trên trang chỉ sau một cú click.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 9): Xác định "cú đấm thép" tại những đấu trường lớn - Ảnh 2.

Trang web của đội tuyển boxing Mỹ với phần donate (ủng hộ) ngay trên trang chủ. (Ảnh chụp màn hình)

Tạo ra những nhân tố truyền cảm hứng

Thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại các giải đấu châu Á đã kéo theo hàng loạt trung tâm bóng đá trẻ ra đời tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Sự xuất hiện dày đặc của các cầu thủ như Quang Hải, Văn Toàn, Văn Thanh... trên truyền thông đại chúng cũng như niềm ngưỡng mộ của công chúng dành cho họ chính là động lực giúp các em thiếu nhi tham gia tập luyện thể thao và xác định niềm đam mê của mình.

TTVN – để không lạc lối ở Olympic (Bài 9): Xác định "cú đấm thép" tại những đấu trường lớn - Ảnh 3.

Hoàng Xuân Vinh nên được coi là nhân tố truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ. (Ảnh: Zing News)

Đã đến lúc các môn thể thao khác cũng cần những nhân tố truyền cảm hứng như vậy. HLV bắn súng Nguyễn Thị Nhung, người huấn luyện VĐV Hoàng Xuân Vinh giành tấm huy chương vàng Olympic khẳng định: "Đây là lúc chúng ta nên coi Hoàng Xuân Vinh như "Jin Jong-oh Việt Nam", truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Tóm lại, muốn cây đơm hoa, kết trái, thì trước hết chúng ta phải trồng trước đã".

Bản thân các vận động viên đỉnh cao cũng rất tâm huyết trong việc chuyển giao kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận nhưng chưa có một lộ trình chiến lược. Trao đổi với PV Dân Việt, cựu võ sĩ taekwondo Nguyễn Văn Hùng, người từng giành huy chương bạc tại Asiad 2002, vận động viên Việt Nam tại Olympic Bắc Kinh 2008 cũng chia sẻ: "Tôi luôn mong muốn được đào tạo các vận động viên trẻ. Taekwondo vẫn là niềm đam mê lớn đối với bản thân tôi. Tôi nghĩ đây cũng là môn thể thao Việt Nam có nhiều thế mạnh để giành được thành tích trên các đấu trường lớn". Hiện tại, Nguyễn Văn Hùng cũng đã thành lập trung tâm võ thuật tại Thanh Hóa để thỏa mãn niềm mong mỏi của riêng mình.

Thi đấu trọng tâm thay vì dàn trải

Vấn đề phân nhóm vận động viên nhằm tập trung cho những giải đấu lớn cũng đang được nhiều chuyên gia đặt ra. Trong đó, những nhân tố tiêu biểu như: Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thuỳ Linh (Cầu lông)… sẽ được xác định rõ đích đến là sân chơi châu lục và thế giới. Họ cần tập trung cho những sân khấu lớn và tập luyện với những đối thủ lớn thay vì phải bung sức dàn trải ở những giải đấu trong khu vực.

"Căn bệnh thành tích" đang khiến các vận động viên tên tuổi phải căng mình tham gia ở quá nhiều giải đấu dẫn đến việc bị quá tải, không có được phong độ tốt và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương.

Việc mạnh dạn để những vận động viên trẻ được thi đấu cọ sát ở những giải đấu như SEA Games hay những giải đấu trong hệ thống Đông Nam Á còn giúp họ có những kinh nghiệm để có sự bứt phá trong tương lai, nhất là thời điểm thể thao Việt Nam đang đang đứng trước nguy cơ không có lứa VĐV trẻ kế cận. Một kịch bản thiếu hụt nhân tài là điều rất dễ xảy ra nếu chúng ta không ngay lập tức bắt tay vào cải tổ ngay lúc này.

Sự hy sinh những giải đấu nhỏ để mở ra thành công ở những sân chơi lớn phần nào sẽ gây cản trở về mặt thành tích xếp hạng. Nhưng nếu muốn có được huy chương tại Asiad hay Olympic, thể thao Việt Nam cần phải quyết tâm từ bỏ những mục tiêu nhỏ để gặt hái được thành quả lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem