Từ giảng viên, trắng tay sau 3 lần mất tiền tỷ vì trồng sâm đến doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc
Từ giảng viên ngành kiểm toán đến trồng sâm
Anh Trần Đức An - Giám đốc điều hành Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (Kon Tum) tốt nghiệp ngành Kế toán Kiểm toán và từng là giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Với nhiều người thì đó là niềm mơ ước, nhưng anh Đức Anh lại không chọn con đường ổn định này. Đức Anh đã dấn thân khởi nghiệp để có thể thực hiện khát vọng làm giàu của mình. Anh đã nghiên cứu, phát triển cây dược liệu quý hiếm- sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh nổi tiếng không chỉ trong nước, mà tiếng tăm còn lan ra nhiều nước trên thế giới. Hay đúng hơn, dù nổi tiếng từ lâu, nhưng đến nay mới được xác lập vị trí, được biết đến với danh xưng mới là "Quốc bảo". Theo nghiên cứu, củ sâm chứa tới 52% chất saponin, rất tốt cho sức khỏe, còn trong lá sâm Ngọc Linh có lượng saponin bằng khoảng 80% lượng saponin có trong củ.
Từ năm 1995, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và năm 1997 bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh Kon Tum tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh đã triển khai dự án "Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng".
Tiếp đó, là hàng loạt những chính sách nhằm cụ thể hóa nỗ lực "cứu" sâm Ngọc Linh. Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch 31.742 ha. Đặc biệt, tỉnh đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó có Phương án cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh (với diện tích khoảng 10.000ha); ban hành chính sách ưu đãi đặc thù về giống, đất đai...
Cụ thể là dự án trồng sâm Ngọc Linh của anh Trần Đức An là một trong số những dự án được chính phủ hỗ trợ và phát triển. Sớm nhận thức được những công dụng cũng như giá trị kinh tế của loại thảo dược mà thiên nhiên ban tặng, anh An đã hiện thực hóa ước mơ của mình bằng việc chú tâm xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Từ trắng tay đến doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc
Tháng 10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đổi Giấy chứng nhận công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng đối với Sâm củ Ngọc Linh, mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý lên 9 xã, gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông)...
Kể lại hành trình trồng cây sâm, anh An nói: "Để đưa sâm Ngọc Linh có chỗ đứng trên thế giới, tôi đã có nhiều trăn trở, không chỉ muốn bảo tồn loại sâm quý hiếm của Việt Nam mà còn ước mơ được phát triển, xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc gia và thế giới. Từ đó, công ty cho ra đời nhiều sản phẩm từ loại thảo dược quý này, như trà hòa tan, collagen làm đẹp, cao sâm Ngọc Linh... Các sản phẩm sâm Ngọc Linh đã cố gắng có mức giá hợp lý để nhiều đối tượng có thể sử dụng, để sâm Việt Nam không còn là loại thảo dược ngoài tầm với của nhiều người. Nhằm góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao sức khỏe của người Việt…"
Cũng theo anh Trần Đức An, với mong muốn đưa giá trị bổ dưỡng của sâm Ngọc Linh đến với đông đảo người tiêu dùng Việt với mức giá hợp lý, anh An đã nghiên cứu trồng theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại.
"Tôi bắt đầu để ý đến sâm Ngọc Linh khi năm 2010 tình cờ nghe mẹ nói mua nhiều sâm, nhưng không bán được, trong khi mỗi lạng hao đi là mất tiền triệu. Tôi sử dụng mối quan hệ của mình và đăng thông tin lên các trang rao vặt trực tuyến và nhanh chóng bán được hàng, lợi nhuận cao. Từ câu chuyện đó, tôi nhận ra thị trường sâm Ngọc Linh rất trống. Và năm 2011, tôi quyết định nghỉ dạy ở trường, chuyển hẳn sang kinh doanh…", anh An nói thêm.
Cũng theo anh An, không có thành công nào tự nhiên có, anh từng mất hàng tỷ đồng vào việc nhân giống sâm.
Anh An kể: "Lần đầu gieo hạt trồng thử nghiệm tại huyện Đăk Glei mất trắng 300 triệu đồng, vì độ ẩm của đất không phù hợp, củ sâm thối. Sau đó, tôi chuyển đến huyện Tu Mơ Rông có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp hơn, cây sâm sinh trưởng tốt, anh lại thêm một lần tay trắng sau trận lũ lớn. Hiện tại, tôi đã làm chủ cơ ngơi 48 ha trồng sâm. Trong đó, có nhiều ha sâm lâu năm, từ 6-12 năm tuổi. Vườn sâm tạo việc làm thường xuyên cho 8 nhân viên và hàng trăm hộ dân địa phương", anh An vui mừng.
Năm 2019, anh Trần Đức An vinh dự là gương mặt tiêu biểu trong Top 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức.
Theo tài liệu nghiên cứu, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.
Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 5 huyện, với 16 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất Thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,..
Nhờ vào đó, sâm Ngọc Linh có giá thành kinh tế rất cao, hiện mỗi kg sâm củ Ngọc Linh có giá giao động từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhiều loại củ khai thác từ rừng tự nhiên có trọng lượng vài lạng, đến 1kg thì giá thành đến vài trăm triệu đồng. Bên cạnh sâm củ có giá thành cao, lá sâm Ngọc Linh cũng giao động từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng trên 1kg.