Từ lâu đã có nguy cơ vỡ nợ, kinh tế Lebanon giờ càng điêu đứng sau vụ nổ thảm khốc ở Beirut
Tính đến hết ngày 6/8, đã có ít nhất 135 người tử vong và hơn 5.000 người bị thương trong vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8 tại thủ đô Beirut của Lebanon. Con số thương vong hiện vẫn đang tăng lên khi các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ tiếp tục diễn ra.
Vụ nổ kinh hoàng đã thổi bay nhiều công trình, san bằng nhiều con phố ở Beirut và khiến ít nhất 300.000 người phải di tản. Đáng nói hơn, thảm họa này diễn ra vào một thời điểm không thể tệ hơn với nền kinh tế Lebanon.
Nền kinh tế Lebanon đã đối diện nguy cơ vỡ nợ từ lâu
Hồi năm ngoái, sự đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng nước này đã đưa lạm phát tăng vọt 30%, tiền tệ mất giá 40% và lượng người thất nghiệp tăng chưa từng có. Khoản nợ công ước tính hơn 86 tỷ USD mà nước này cõng trên lưng tính đến hết năm 2019 tương đương với 155% GDP quốc gia, đưa Lebanon vào top một trong những nước có gánh nặng nợ lớn nhất toàn cầu. Tình hình khan hiếm đồng USD do suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính và sụt giảm nguồn tiền mặt đã làm giảm đáng kể dự trữ ngoại tệ của ngân hàng Trung Ương.
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Thế giới đã dự báo 45% dân số Lebanon sẽ sống trong cảnh nghèo khó cùng cực vào năm 2020. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thì dự báo tăng trưởng GDP Lebanon -12% trong năm nay, tệ hơn nhiều so với mức dự báo trung bình -4,7% cho toàn khu vực Trung Đông và Châu Á. Chính phủ Lebanon lâu nay tìm cách nhận khoản vay đảm bảo trị giá 10 tỷ USD từ IMF nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng trước.
Nước này thậm chí đứng trước bờ vực vỡ nợ khi gần như mất khả năng thanh toán khoản nợ 1,2 tỷ USD trái phiếu Châu Âu hồi tháng 3. Hồi tuần trước, ngay trước thời điểm vụ nổ kinh hoàng, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Lebanon xuống mức thấp nhất, ngang hàng với Venezuela. “Đất nước này đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, tài chính và xã hội - tình huống mà thể chế hiện tại dường như không thể giải quyết được… Sự sụp đổ của giá trị đồng tiền và lạm phát tăng mạnh đang tạo ra một môi trường kinh tế đầy bất ổn” - Moody’s nhận định.
Bà Tamara al-Rifai, phát ngôn viên Cơ quan tị nạn Palestine (UNRWA) thì nhấn mạnh Lebanon đã bước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện cả về kinh tế - tài chính - chính trị trước khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 tấn công. Và giờ đây, vụ nổ khủng khiếp làm rung chuyển thủ đô Beirut là đòn giáng nặng nề tiếp theo vào nền kinh tế vốn đã khó vực dậy này.
Vụ nổ kinh hoàng nhấn chìm Lebanon xuống đáy vực khủng hoảng kinh tế
Trả lời phỏng vấn tờ CNBC, Bộ trưởng Kinh tế Lebanon Raoul Nehme cho hay: “Không có căn hộ nào ở Beirut không bị ảnh hưởng, không có doanh nghiệp nào ở Beirut không chịu tổn thất (cả về cơ sở hạ tầng và hàng hóa)”.
Cảng nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng là trung tâm hàng hải quan trọng bậc nhất của quốc gia, nơi thông qua tới 60% khối lượng hàng hóa nhập khẩu của Lebanon. Ông Raoul Nehme cho hay trên thực tế, gần như cảng này đã bị “xóa xổ” sau vụ nổ.
Vụ nổ cũng được dự báo sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề, nhất là với ngành du lịch. Du lịch đóng góp tới gần 1/5 GDP quốc gia Lebanon trong năm 2018, với tổng cộng hơn 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến thăm. Nhưng sau vụ nổ này, triển vọng ngành du lịch nhìn chung là u ám. Pierre Achkar, người đứng đầu Liên đoàn Du lịch Khách sạn Lebanon cho hay tỷ lệ lấp đầy các khách sạn đã giảm xuống 5-15% trong nhiều tháng qua do căng thẳng chính trị và cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhưng giờ đây, vụ nổ rung chuyển Beirut đã làm như hại khoảng 90% khách sạn ở thủ đô.
Sau thảm họa này, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm 6/8 đã kêu gọi tinh thần "đoàn kết dân tộc" để giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc mà Lebanon đang đối mặt, đồng thời cho hay IMF đang làm mọi cách có thể để hỗ trợ người dân Lebanon.
Các quốc gia Châu Âu và nhiều nước vùng Vịnh cũng đã gửi lực lượng hỗ trợ hoặc viện trợ để giúp Lebanon “dọn dẹp” bụi phóng xạ sau vụ nổ. Ngân hàng Trung Ương Lebanon hiện cũng chỉ thị các ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay không lãi suất bằng đồng USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tái thiết cuộc sống. Nhưng với nhiều nhà quan sát, tác dụng của những biện pháp như vậy có thể là không lớn do tình trạng tham nhũng và bộ máy quản lý yếu kém tại đất nước này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/8 đã tuyên bố sẽ cung cấp thuốc men, thực phẩm đến Lebanon nhưng bằng mọi giá “không để rơi vào tay các quan chức tham nhũng”. Ông Macron cũng hứa hẹn sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế để gây quỹ cho Lebanon, dưới sự quản lý minh bạch để đảm bảo số tiền "được cung cấp trực tiếp cho người dân địa phương, các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng có nhu cầu."