Từ nghèo nhất vùng thành “đại gia” nhờ gà mía

28/07/2020 08:53 GMT+7
Đến xã Thụy An, Ba Vì, hỏi thăm cơ sở ấp trứng của anh Trương Danh Bình, làng trên xóm dưới không ai không biết, bởi những ý chí phi thường của người đàn ông từng “nghèo nhất huyện”.

Tới nhà, tôi phải chờ rất lâu mới gặp được anh Trương Danh Bình, vì "ông chủ" còn đang bận đi giao hàng. Ngôi nhà khang trang, khác hẳn những ngôi nhà khác trong vùng là ấn tượng đầu tiên với tôi. Nhìn gần, nó chẳng khác gì một căn biệt thự.

Tranh thủ trò chuyện với những người làm thuê ở đây, bà Hồng – người làm lâu năm nhất - chia sẻ rằng, bà đã làm được gần 4 năm. Với mức lương 6-7 triệu đồng/ tháng, bà cũng ổn định được một phần cuộc sống. 

"So với làm nông, nó nhàn hơn nhiều. Không phải chân lấm tay bùn, dầm mưa dãi nắng. Nhưng cũng phải luôn tay luôn chân vì mỗi ngày có tới 2 vạn trứng cần ấp", bà Hồng nói.

Từ nghèo nhất vùng thành “đại gia” nhờ gà mía - Ảnh 1.

Cơ sở ấp trứng tạo việc làm ổn định cho 4 công nhân, mức lương trung bình 6-7 triệu đồng/tháng.

Ngồi nói chuyện được một lúc thì anh Bình về. Khác xa với hình tượng một "ông chủ" thành đạt, anh Bình mặc đồ giản dị, nước da ngăm đen như để minh chứng cho một thời lam lũ. 

Anh Trương Danh Bình tâm sự, trước kia gia đình anh thuộc diện nghèo nhất vùng, căn nhà lụp xụp chỉ đủ che mưa nắng, cơm ăn không đủ no, phải độn thêm sắn. Cảnh đói nghèo đeo bám ròng rã nhiều năm.

Khởi nghiệp nhờ sự tình cờ

Rồi đến năm 1997-1998, anh Bình làm nghề nuôi, dắt lợn giống. Trong một lần đi thu mua lợn, anh phát hiện giống gà mía này vừa đẹp, thịt lại ngon nên anh Bình quyết định về mua 20 con gà mái nuôi thử.

Sau đó, nhận thấy lợi nhuận từ việc nuôi gà, từ năm 2002-2003, anh phát triển mô hình lên 100 con. Sang 2005, anh quyết định bán hết trâu bò, lợn, chuyển sang làm lò ấp trứng gà. Anh chủ yếu lấy trứng gà nhà ấp, sau đó bán lại giống cho bà con.

"Thời gian đầu rất vất vả, phải đảo hoàn toàn bằng tay, cứ 2 tiếng đảo 1 lần. Mà lúc ấy còn thanh niên, toàn phải dậy đêm để đảo trứng nên nhiều hôm cũng lười, chỉ muốn tắt ngủ luôn đến sáng. Bây giờ thì dùng hệ thống tự động hết nên cũng nhàn hơn", anh Bình nhớ lại kỉ niệm ngày đầu lập nghiệp.

Từ nghèo nhất vùng thành “đại gia” nhờ gà mía - Ảnh 2.

Những quả trứng hỏng, không nở được thành con được chọn lọc tỉ mẩn.

Hiện tại, gia đình anh Bình có khoảng 2 vạn con, thu nhập từ lò ấp và chăn nuôi khoảng 80 triệu đồng/ tháng, đến từ thịt gà mía với thu mua tại nhà là 75.000 đồng/kg, gà con thành phẩm 8.000 – 10.000 đồng/con. 

Tính ra mỗi năm, trừ chi phí anh Bình thu lãi khoảng 700-800 triệu từ bán gà giống. Nếu tính cả tiền bán gà thương phẩm, trung bình cứ 1.000 gà thương phẩm cho lãi 30-40 triệu, ước tính mỗi năm anh thu lãi 300-400 triệu đồng nữa.

Từ nghèo nhất vùng thành “đại gia” nhờ gà mía - Ảnh 1.

 Suýt phá sản vì dịch cúm H5N1

Những tưởng con đường lập nghiệp đang từng bước thành công thì dịch cúm H5N1 ập đến. Vào thời điểm năm 2004, 2005, dịch cúm ấy là một cái gì đó rất kinh khủng. Thú y chưa hoàn thiện, người dân hoang mang, không dám nuôi nhiều, cũng không dám ăn vì sợ.

Gà giống đẻ ra không bán được, gà thịt thì giá "rẻ hơn rau" khiến chàng trai ấy thiệt hại cả trăm triệu đồng. Mà trăm triệu ở thời điểm ấy là cả gia tài, đủ để anh Bình đứng trước nguy cơ phá sản.

May thay lúc đó được mọi người ủng hộ, anh Bình bán hết những thứ có thể bán để có thể cầm cự đàn. "Trời không phụ lòng người, vừa hết dịch thì giá gà tăng cao, đàn gà vừa đến độ xuất chuồng. Từ đó, tôi dần trả được hết nợ, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại và lồng ấp", anh Bình cho hay.

Từ nghèo nhất vùng thành “đại gia” nhờ gà mía - Ảnh 4.

Với 8 lò ấp, mỗi ảnh cơ sở của anh Bình có thể ấp tới 2 vạn trứng mỗi ngày, tỉ lệ thành công trên 90%

Chỉ còn 6 tháng nữa là tới Tết nguyên đán. Đây cũng là lúc cao điểm vì người ở khắp nơi mua gà giống để nuôi. Tuy công việc bận rộn nhưng anh Bình vẫn dành thời gian để giúp đỡ hàng xóm, những người muốn học hỏi kinh nghiệm. 

Không hề giấu nghề, anh Bình chia sẻ hết những gì mình biết, những bài học rút ra từ bản thân mình, những vấp ngã để người khác không lặp lại.

Hiện nhiều hộ gia đình ở Ba Vì cũng nuôi và kinh doanh gà mía, có hộ chỉ từ vài chục con giống từ nhà anh Bình mà giờ đã có 1-3 vạn gà, góp phần ổn định kinh tế gia đình và địa phương.

Anh Bình cho hay, trong tương lai anh dự định mở thêm diện tích nuôi gà, cũng như mở rộng lồng ấp trứng. Đồng thời liên kết với nhiều trang trại và doanh nghiệp, góp phần ổn định đầu ra cho gà mía Ba Vì.

Trang trại 2 vạn con gà mía tại Thụy An -  Ba Vì

Mai Trang - Nguyễn Nhàn - Tất Thành
Cùng chuyên mục