Tỷ giá lập đỉnh: Tác động trái chiều tới nền kinh tế, dự báo "nóng" mức giảm giá của VND so với USD

12/09/2023 10:10 GMT+7
Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng. Tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân); đồng thời, làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên.

Áp lực tỷ giá tăng

Công bố ngày 12/9 từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm phiên hôm nay điều chỉnh giảm mạnh tới 24 đồng so với ngày hôm qua (11/9). Với mức điều chỉnh này, tỷ giá trung tâm hiện đang đứng ở mức 23.981 VND/USD, sau khi ghi nhận mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay (24.005 VND/USD).

Tỷ giá trung tâm được đặt lên mức cao nhất từ trước tới nay phần nào phản ánh những áp lực của tỷ giá những ngày qua. Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm gần 370 đồng, tương đương tăng khoảng 1,6%.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND tuần qua có thời điểm đạt 24.073 đồng và kết tuần ở mức 24.061 (tăng 1,6% so với cuối tháng 7/2023, tăng gần 2% so với đầu năm nay).

Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá tiền đồng. Tuần từ ngày 5/9 – 8/9, chỉ số sức mạnh đồng đô la DXY vượt mốc 105 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 3/2023. Đà tăng được thúc đẩy bởi lo ngại về khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong năm nay với lo ngại về lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng, trong khi các số liệu kinh tế khác của Mỹ vẫn không cho thấy dấu hiệu suy thoái; và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Trong đó thông tin đáng chú ý nhất là chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ do ISM khảo sát. PMI tháng 8 ở mức 54,5 tháng 8, tăng mạnh từ 52,7% của tháng 7 và đồng thời cao hơn mức 52,5 theo dự báo. Đây là PMI dịch vụ cao nhất của Mỹ kể từ tháng 02/2023, trái ngược với xu hướng tiêu dùng yếu dần từ các quốc gia phát triển khác.

Tương tự, số liệu trên thị trường lao động cho thấy sức khỏe tích cực của nền kinh tế Mỹ, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 02/09 ở mức 216 nghìn đơn, giảm từ 229 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên 232 nghìn. Đây là tuần giảm xuống thứ 4 liên tiếp đối với chỉ báo này, cũng là mức đơn theo tuần thấp nhất kể từ tháng 03/2022.

Sau khi ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, đồng USD đã có dấu hiệu hạ nhiệt trước thềm công bố thông tin về lạm phát của Mỹ, tuy nhiên chỉ số DXY vẫn đang đứng trên mức 104 điểm. Cụ thể, ở thời điểm hiện tại (9h00 sáng 12/9, giờ Việt Nam) chỉ số USD index đang giao dịch trên mốc 104,2 điểm và xu hướng đi lên.

Tỷ giá lập đỉnh: Tác động trái chiều tới nền kinh tế, dự báo "nóng" mức giảm giá của VND so với USD - Ảnh 1.

Tỷ giá tăng tác động trái chiều, VND sẽ mất giá dưới 3% so với USD

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI duy trì quan điểm cho rằng biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NHTW lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III/2023.

Tuy nhiên, điểm tích cực theo các chuyên gia phân tích là vị thế của Ngân hàng Nhà nước tương đối khác so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái (nhờ lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) cũng như nguồn cung ngoại tệ tích cực như FDI giải ngân 8 tháng đạt 13,1 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ hay cán cân thương mại ước tính đạt thặng dư kỷ lục ở mức 19,9 tỷ USD.

Chia sẻ với PV, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường (Bộ phận phân tích, Công ty Chứng khoán VnDirect) thì đưa ra nhận định, tỷ giá tăng gây thêm áp lực trả nợ nước ngoài (nhất là khu vực tư nhân); đồng thời, làm gia tăng áp lực lạm phát do giá nhập khẩu của nguyên liệu đầu vào và hàng hóa tiêu dùng tăng lên. Do đó, áp lực tỷ giá càng lớn thì dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong nước càng thu hẹp.

Dẫu vậy, theo ông Hinh, Ngân hàng Nhà nước vẫn có đủ những yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay, bao gồm: thặng dư thương mại ở mức cao (thặng dư thương mại gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022), dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vị này tin rằng, mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (dự báo dưới 3% năm 2023) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu (tăng khả năng cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam).

"Ngoài ra, chúng tôi cho rằng điều này ít có khả năng khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh ra khỏi Việt Nam.", ông Hinh thông tin.

Tỷ giá lập đỉnh: Tác động trái chiều tới nền kinh tế, dự báo "nóng" mức giảm giá của VND so với USD - Ảnh 2.

Còn theo dự báo của MBS tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Fed có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.

Về phía nhà điều hành, lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng như những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ, nguồn lực để can thiệp giữ ổn định tỷ giá và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhà điều hành cũng tái khẳng định, trong những tháng còn lại của năm 2023, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

H.Anh
Cùng chuyên mục