Tỷ giá "nóng" vượt 23.900 VND/USD, chuyên gia nói thẳng về sức ép cuối năm
Tỷ giá "nóng", 23.900 VND để đổi lấy 1 USD
Thống kê của Etime cho thấy, trong tuần vừa qua tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng mạnh 67 VND/USD, tương đương mức tăng 0,29%. Hiện, mức niêm yết của tỷ giá trung tâm đang đứng ở mức 23.825 VND/USD. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần là 25.016 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.634 VND/USD.
Nếu tính kể từ ngày 26/7 (khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm), tỷ giá trung tâm tăng tới 79 VND/USD (tương ứng tăng trên 0,33%).
Tỷ giá mua tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện đứng mức 23.400 VND/USD trong khi tỷ giá bán là 24.966 VND/USD. Như vậy, sau 1 tuần tỷ giá mua tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước không đổi, song tỷ giá bán đã tăng 71 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng "nóng" lên không ít trong các phiên gần đây. Tỷ giá USD/VND bán ra có thời điểm vượt 23.900 VND/USD tại nhiều ngân hàng.
Chẳng hạn như tại VietinBank (cập nhật 7 giờ 30 sáng 5/8), tỷ giá bán ra đứng ở mức 23.940 VND/USD. Tại Sacombank, khách hàng phải mất 23.923 VND tiền mặt để đổi lấy 1 USD. Các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Eximbank,… cũng đang giao dịch mua/bán USD sát ngưỡng 23.900 VND/USD.
Tại chợ đen, tỷ giá USD cập nhật đầu giờ sáng nay tiếp tục nâng thêm 20 VND ở cả 2 chiều mua và bán, lần lượt lên mức 23.730 VND/USD và 23.780 VND/USD.
Áp lực tỷ giá có đáng quan ngại?
Tỷ giá "nóng" lên trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ vừa tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong phiên họp vào cuối tháng 7 vừa qua. Giới phân tích nhận thấy một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND từ nay cho tới cuối năm.
Thứ nhất, lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.
Hai là, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố bất lợi, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại duy trì mức cao của Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan thông tin cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 năm 2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022.
Tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI và kiều hối ổn định (giải ngân FDI đạt 11,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm).
Ngoài ra, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao cũng là những yếu tố hỗ trợ tới tỷ giá từ nay cho tới cuối năm.
"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023", ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia chứng khoán dự báo.
Còn theo TS Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá trong thời gian qua. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2023. Mặc dù tỷ giá đang "nóng" hơn song, ông Thành cho rằng việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Đồng tình, ông Nguyễn Bá Hùng – chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hiện tại "phản ứng" chính sách tương đối kịp thời và tương đối đúng hướng. Do đó, ông tin rằng tỷ giá không phải là vấn đề đáng quan ngại của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
"Tôi tin rằng với cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh thặng dư thương mại dương, dự trữ ngoại tệ tăng lên,… Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa hơn trong điều hành tỷ giá", ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Trần Hải Yến – Chuyên gia chứng khoán cũng lưu ý, hiện chênh lệch giữa lãi suất VND và USD ở mức cao. Theo khảo sát của Etime chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,7 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,23 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 9 tháng.
Do đó, đồng USD đang trở nên hấp dẫn hơn so với VND, từ đó làm giảm đi sức hút đối với luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và nguồn kiều hối cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, có thể có dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam, bởi một lãi suất cao dòng vốn lại chảy ngược về Mỹ, không tìm đến các thị trường cận biên như Việt Nam. Điều này sẽ tạo nên sức ép tới tỷ giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo bà Yến tỷ giá đang được ủng hộ bởi dòng tiền từ các giao dịch M&A. Do đó, tỷ giá vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, bà lo ngại nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất vào kỳ họp tới đây, những rủi ro liên quan đến tỷ giá và đảo chiều của dòng sẽ nặng nề hơn. Do đó, vẫn phải canh chừng đối với tỷ giá.