Giải mã diễn biến "nóng" của tỷ giá từ cuối tháng 6

10/07/2023 18:30 GMT+7
Áp lực tỷ giá đã bắt đầu xuất hiện từ tuần cuối của tháng 6. Giới phân tích cho rằng, tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023

Quan sát trên thị trường ngoại hối tuần qua, theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, tỷ giá USD/VND ghi nhận biến động mạnh. Theo đó, tỷ giá mua/bán USD bật tăng mạnh trong 3 ngày đầu tuần và hạ nhiệt trong phiên giao dịch cuối tuần. Kết tuần, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,3%, lên 23.653 VND/USD và đồng thời tỷ giá bán niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do lần lượt tại 23.810 VND/USD và VND 23.750 VND/USD, tăng 60 và 120 đồng so với tuần liền trước.

Trong phiên giao dịch đầu tuần hôm nay (10/7), sức "nóng" của tỷ giá tiếp tục hạ nhiệt đáng kể. Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hôm nay ở mức 23.810 đồng/USD, giảm 23 đồng so với cuối tuần qua. Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với tỷ giá trần hôm nay là 24.920 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.544 đồng/USD. Tỷ giá bán USD cũng được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm 23 đồng, đưa phạm vi mua bán về mức 23.400 - 24.951 đồng/USD.

Cùng đó, giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay cũng giảm mạnh. So với phiên giao dịch cuối tuần qua (7/7), giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại hôm nay giảm tới 100 đồng/USD.

Giải mã diễn biến "nóng" của tỷ giá từ cuối tháng 6 - Ảnh 1.

Áp lực tỷ giá đã bắt đầu xuất hiện từ tuần cuối của tháng 6.

Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại SSI, trên thực tế, áp lực tỷ giá đã bắt đầu xuất hiện từ tuần cuối của tháng 6 khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh do một số khoản ngoại tệ cần phải thanh toán cũng như áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI. Việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NHTW lớn trên thế giới cũng là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá. "Chúng tôi duy trì dự báo USD/VND là 23.800 vào cuối năm 2023 nhờ kỳ vọng về nguồn cung ngoại tệ", SSI nhận định.

Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VnDirect dự báo, sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất USD cũng như định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Ông cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, mức độ dao động không quá 2% so với hồi đầu năm, cùng đó lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,5%/năm vào cuối năm.

Báo cáo của SSI vừa phát hành cũng đã chỉ ra rằng, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng trong tuần vừa qua. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 15 nghìn tỷ trên kênh kỳ hạn 7 ngày và 6 nghìn tỷ trên kênh 28 ngày, với lãi suất 4,0%, không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận.

Áp lực từ tỷ giá trong tuần qua cũng khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong kênh mua kỳ hạn và kể từ ngày 05/07, nhà quản lý tiền tệ ngừng chào thầu kỳ hạn 28 ngày.

Về diễn biến lãi suất liên ngân hàng, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ổn định quanh vùng 0,7% - và nới rộng chênh lệch với lãi suất USD lên trên 400 điểm cơ bản.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng tới 14% và ngược lại tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI nhận thấy, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn cao hơn giai đoạn 2020-2021.

Về cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã thực hiện cơ cấu cho vay cho 2.800 khách hàng và hiện các tổ chức tín dụng đang tiếp tục triển khai. Về gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, một số ngân hàng như BIDV, Argibank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này tuy nhiên giá trị vẫn còn hạn chế.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.


H.Anh
Cùng chuyên mục