Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ duy trì trong khoảng 22.900-23.300 cuối năm 2022

20/07/2022 08:02 GMT+7
Nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ chỉ biến động khoảng 2,5% trong cả năm 2022, điều đó đồng nghĩa với việc xu hướng tăng của tỷ giá sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay. Thậm chí năm 2023, VND còn tăng giá so với USD.

Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ duy trì trong khoảng 22.900-23.300 vào cuối năm 2022

Vào ngày 12/07/2022, chỉ số USD (đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) đạt 108,5 điểm, mức cao nhất trong 20 năm.

Đồng USD mạnh lên kéo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,4% kể từ đầu năm ( tương ứng tăng 0,4% so với đầu tháng).

Trong khi đó, tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Trung ương Việt Nam quy định đối với USD/VND đứng ở mức 23.183, nhích 0,3% so với đầu tháng (tăng 0,2% so với đầu năm). Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng nhích 0,8% so với tháng trước (tăng 2,6% so với đầu năm).

Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất.

Cụ thể, kể từ đầu năm 2022, hầu hết các đồng tiền trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (giảm 10,6% so với USD), Baht Thái (giảm 9,2% so với USD), Ringgit Malaysia (giảm 5,1% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (giảm 5,9% so với USD) và Rupiah Indonesia (giảm 5,1% so với USD).

Tăng chậm lại, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ duy trì trong khoảng 22.900-23.300 cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: BLOOMBERG, VNDIRECT RESEARCH.

Các chuyên gia tại Chứng khoán VNDirect nhận thấy, có một số yếu tố hỗ trợ tiền Đồng trong nửa cuối năm 2022, bao gồm: dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,5-4,0 tháng nhập khẩu).

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng xu hướng tăng của USD/VND sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trong khoảng 22.900-23.300 vào cuối năm 2022, tương ứng mức tăng không quá 2%. so với cuối năm 2021.

Trước đó, nhiều chuyên gia và tổ chức cũng dự báo, VND có thời điểm sẽ giảm giá lên tới 3% so với USD, nhưng tựu chung cả năm 2022, mức biến động của tỷ giá chỉ vào khoảng 2,5%.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá như thời gian qua và tỷ giá trong cả năm 2022 sẽ chỉ tăng khoảng 2,5%. Điều đó có nghĩa, trong 6 tháng cuối năm mức biến động của tỷ giá chỉ vào khoảng 0,5% - thấp hơn nhiều so với nửa đầu năm.

"Mức biến động của tỷ giá chỉ nên duy trì dưới 2,5%, nếu lên tới 4% đó là một vấn đề lớn. Khi đó, lạm phát tăng lên và số ngoại tệ bỏ ra để ổn định lại tỷ giá khá lớn", ông Nghĩa nói.

Theo ước tính của KBSV, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 11-12 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang để ổn định tỷ giá. Ước tính theo tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, con số này tương đương khoảng 280 nghìn tỷ.

Tăng chậm lại, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ duy trì trong khoảng 22.900-23.300 cuối năm 2022 - Ảnh 3.

Mức biến động của tỷ giá chỉ nên duy trì dưới 2,5% trong năm 2022. (Ảnh: TB)

VND sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023?

Những diễn biến bất lợi từ bên ngoài khiến áp lực tỷ giá tăng lên trong những tháng cuối năm. Dù vậy, theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế "kìm hãm" tốc độ mất giá của tiền đồng so với đồng bạc xanh.

Chẳng hạn như lạm phát của Việt Nam ổn định hơn so với Mỹ; lãi suất cao hơn Mỹ, và hơn nữa Việt Nam đang có dự trữ ngoại hối tương đối cao - khoảng 14-15 tuần nhập khẩu.

Cùng với đó, GDP tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự kiến cả năm sẽ đạt 7%-7,5%.

Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế đó là tình hình chính trị, xã hội ổn định, phục hồi sau đại dịch rất tốt cùng với Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Đó là các nhân tố căn bản làm cho cán cân thanh toán của Việt Nam được củng cố, thặng dư, nhờ đó tăng cường dự trữ ngoại hối và có thể có những can thiệp kịp thời - theo TS. Phước.

Trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đủ tiềm lực sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ có thể chuyển từ "hỗ trợ phục hồi kinh tế" sang "bình thường hóa", theo đó Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Theo đó, VND sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023 nhờ lãi suất USD tăng chậm lại, lãi suất VND tăng và bộ đệm vững chắc từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục