Tỷ giá USD/VND "vọt" lên 24.700, chỉ có 500 nghìn tỷ sẽ được giải ngân nửa cuối năm

19/07/2022 08:43 GMT+7
Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm).

Lãi suất liên ngân hàng vượt 1%, chỉ có gần 500 nghìn tỷ sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm

Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp tổng kết ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm và định hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm.

Tại cuộc họp này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay là 14%, không "nới" thêm như kỳ vọng của các ngân hàng thương mại trước đó.

Đồng thời, nhà điều hành sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.

Tỷ giá USD/VND "vọt" lên 24.700, chỉ có 500 nghìn tỷ sẽ được giải ngân nửa cuối năm - Ảnh 1.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Bộ phận nghiên cứu của chứng khoán SSI, quan điểm điều hành của NHNN vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND.

"Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm). Điều này giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động", các chuyên gia nhận định.

Thống kê của SSI cũng cho thấy, NHNN vẫn tiếp tục sử dụng các nghiệp vụ trên thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản tiền Đồng trong hệ thống trong tuần trước.

Cụ thể, NHNN đã phát hành tổng cộng 12,4 nghìn tỷ động tín phiếu 14 ngày với lãi suất 0,9% và 46,9 nghìn tỷ kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 1,5% trong khi có 56,8 nghìn tỷ đồng đáo hạn, tương đương với việc hút ròng nhẹ 2,4 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Trong khi đó, kênh mua kỳ hạn vẫn được sử dụng đều đặn với khối lượng phát hành trung bình khoảng 200 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%.

Theo đó, lãi suất liên ngân hàng nhích tăng nhẹ, kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 1,05% (tăng 12 điểm cơ bản) và 1 tuần 1,65%, tăng 13 điểm cơ bản.

Như vậy, chênh lệch lãi suất VND-USD phần nào có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn đang duy trì ở mức âm khoảng 50 điểm cơ bản.

Tỷ giá USD/VND "vọt" lên 24.700, chỉ có 500 nghìn tỷ sẽ được giải ngân nửa cuối năm - Ảnh 2.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do biến động mạnh, kích thích nhu cầu tích trữ USD

Trên thị trường ngoại hối, số liệu CPI mới công bố từ cơ quan thống kê Mỹ cho thấy áp lực lạm phát vẫn gia tăng trong tháng 6.

Cụ thể, chỉ số CPI toàn phần và CPI cơ bản tháng 6 lần lượt tăng 9,1% và 5,9% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự báo. Đồng thời, chỉ số giá sản xuất PPI cũng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 11,3% so với cùng kỳ, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, số liệu lạm phát đã đẩy cao kỳ vọng Fed thực hiện việc tăng lãi suất 100 điểm ngay trong kỳ họp tháng 7 tới đây, với số liệu từ CME Group, tại thời điểm 18/7, 31% thị trường đã đặt cược việc Fed tăng lãi suất 100 điểm trong kỳ họp tháng 7, từ xác suất 7% vào tuần trước.

Điểm mấu chốt cho góc nhìn chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn cuối 2022 và năm 2023 nhiều khả năng là cuộc họp tháng 9, khi những thông tin về tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động của Mỹ sẽ phản ánh rõ nét về áp lực lạm phát và thị trường kỳ vọng tốc độ có thể giảm dần.

Trong khi đó, trong cuộc họp ngày 14/07, Ủy ban Châu Âu dự báo kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được đưa ra vào tháng 5.

Trong năm 2023, khi tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao trở nên rõ ràng hơn, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ ở mức 1,4%, thay vì 2,3% như dự báo trước đó.

Kỳ vọng kém tích cực về triển vọng kinh tế khu vực EU đã khiến EUR lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua giảm mạnh về tương đương với USD.

Tương tự, các đồng tiền khác tiếp tục giảm mạnh so với USD, như GBP -1,5%, JPY -1,8%, KRW -2%,..

Tỷ giá USD/VND "vọt" lên 24.700, chỉ có 500 nghìn tỷ sẽ được giải ngân nửa cuối năm - Ảnh 3.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do biến động mạnh. (Ảnh: TB)

Trong nước, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,18% và chạm mức bán của NHNN (23.400 đồng/USD). Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 trong khi đó tỷ giá bán niêm yết tại một số NHTM đã tăng chạm mức 23.800.

Đáng chú ý, diễn biến mạnh lên liên tục của đồng USD khiến nhu cầu tích trữ tăng và tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng mạnh 300 đồng trong tuần trước, lên giao dịch ở 24.330/24.460.

Trong phiên giao dịch ngay đầu tuần này, tỷ giá tự do tiếp tục bật tăng lên 24.500/24.700 và chênh lệch giữa 2 thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù dự trữ ngoại hối vẫn tương đối dồi dào nhằm có thể giúp ổn định thị trường trong bối cảnh cầu ngoại tệ tăng cao, áp lực điều hành của NHNN ngày càng rõ rệt hơn, đặc biệt khi vẫn chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của Fed. Do vậy, tỷ giá USDVND vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực trong thời gian tới.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục