Tỷ phú Thái đưa người vào Sabeco làm chủ tịch, Bộ Công thương khó đòi 2.500 tỷ

Nguyễn Ngân Thứ tư, ngày 25/04/2018 13:08 PM (GMT+7)
Sau thương vụ thâu tóm thành công Sabeco là thành công đưa người vào HĐQT và làm chủ tịch HĐQT của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Tuy nhiên bước thành công này sẽ là một dấu hỏi lớn về khả năng thu hồi 2.500 tỷ đồng mà Sabeco chưa nộp ngân sách do chưa chia hết lợi nhuận từ năm 2016 trở về trước.
Bình luận 0

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ngày 23.4 đã kết thúc với kết quả tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính được đưa người vào HĐQT và nắm quyền điều hành với vị trí Chủ tịch HĐQT.

Lời hứa đầu tiên của tỷ phú Thái sau đại hội Sabeco

Với tỷ lệ sở hữu áp đảo và sự đồng thuận của các cổ đông trong nước, đại hội đã thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên do cổ đông lớn Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev), đang nắm 53,59% vốn điều lệ Sabeco đề cử. Ông Tan Tiang Hing, ông Koh Poh Tiong và ông Sunyaluck Chaiajornwat, Malcolm đều trúng cử với tỷ lệ gần 94,5%.

img

Trong đó, ông Koh Poh Tiong (1946), quốc tịch Singapore, hiện là Chủ tịch HĐQT Thaibev/F&N Bear Group (đơn vị sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage). Ông Tan Tiang Hing, Malcolm là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken; và ông Sunyaluck Chaiajornwat đang làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan).

Sau đại hội, ông Koh Poh Tiong đã được bầu làm chủ tịch HĐQT Sabeco, thay ông Võ Thanh Hà.

Phát biểu tại đại hội, ông Koh Poh Tiong, đại diện 3 thành viên HĐQT vừa mới được bầu nói muốn đưa Sabeco trở thành công ty hàng đầu về ngành bia ở Việt Nam. Ông hiểu rằng Sabeco là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Ông Koh Poh Tiong cũng gửi lời cảm ơn Bộ Công Thương đã tạo điều kiện để việc chuyển giao này trở lên suôn sẻ.

Cùng với đó, đại diện 3 thành viên HĐQT cũng hứa đưa thương hiệu Sabeco, bia 333 dẫn đầu Việt Nam và giới thiệu ra toàn thế giới nhờ hệ thống phân phối nổi trội của ThaiBev. Thị trường nước ngoài đầu tiên ThaiBev muốn đưa 2 thương hiệu bia này ra là Singapore, sau đó là Thái Lan và một số thị trường khác.

img

Lời hứa của tỷ phú Thái sau đại hội cổ đông bất thường của Sabeco (Ảnh: IT)

Như vậy, hơn 4 tháng sau khi bỏ 5 tỷ USD mua 53% cổ phần của Sabeco từ Bộ Công Thương, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức được đưa người vào HĐQT của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, trong phiên đấu giá cổ phần Sabeco ngày 18.12.2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã trúng toàn bộ số cổ phần Sabeco mà Bộ Công Thương thoái vốn. Với mức giá 320.000 đồng/cp, công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi 110 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD) để sở hữu gần 344 triệu cổ phiếu SAB (tương đương 53,6% cổ phần).

Tính tới ngày 24.4, cổ phiếu SAB đã giảm xuống còn 217.500 đồng/cp. Nếu tính theo mức giá này, tỷ phú người Thái đã mất khoảng 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, biến động giá trên thị trường có lẽ là điều mà tỷ phú đa ngành người Thái Charoen không quá lo lắng. Bởi đây là một bước đi nằm trong kế hoạch mở rộng hoạt động ra nước ngoài của ThaiBev.

Trước đó, theo ThaiBev, với việc việc thâu tóm thị trường bia Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ đạt được mục tiêu năm 2020 đưa hoạt động ở khu vực nước ngoài chiếm đến 50% tổng doanh thu của tập đoàn. Sabeco là một lựa chọn của chiến lược bởi đây là doanh nghiệp đang nắm giữ hơn 40% thị phần tại một thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng trong khu vực.

Các doanh nghiệp của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã đầu tư rất nhiều tiền tại thị trường Việt Nam và am hiểu nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.

Sóng gió chưa dứt

Mặc dù thương vụ thâu tóm chưa từng có tại Việt Nam khép lại với việc người Thái làm chủ tịch doanh nghiệp Việt sau khi bỏ ra 5 tỷ USD và chấp nhận mất 30% chỉ sau hơn 4 tháng. Sự thuận lợi đã đến với tỷ phú Thái song sóng gió vẫn còn.

Một vấn đề là việc tranh cãi về khoản lợi nhuận chưa phân năm 2016 trở về trước sẽ được xác định theo tỷ lệ sở hữu nào của Bộ Công Thương, 89,59% hay 36%, hai tỷ lệ trước và sau khi bán vốn cho tỷ phú Thái, sẽ được xem xét sau.

Về vấn đề 2.500 tỷ đồng Sabeco chưa nộp vào ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Bộ Công Thương phải “xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân tại bộ này trong việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước, gây thất thu ngân sách nhà nước”.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo cho Bộ Công Thương về việc việc kiểm toán báo cáo tài chính của Sabeco. Theo đó, lợi nhuận còn lại của Sabeco từ năm 2016 trở về trước là 2.700 tỷ đồng. Thời điểm đó, Nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu 89,59% tại Sabeco, do đó Kiểm toán Nhà nước đề nghị Sabeco nộp ngân sách nhà nước khoản tiền 2.495 tỷ đồng.

Ngay sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Sabeco đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco chấn chỉnh kịp thời các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu. “Sabeco cần khẩn trương nộp vào ngân sách Nhà nước số thuế và các khoản phải nộp  khác đã nêu tại kiến nghị báo cáo kiểm toán”, văn bản Bộ Tài chính nêu.

Cơ quan này cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Sabeco báo cáo kết quả thực hiện về Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trước ngày 30.4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem