Ukraine 'nổi đóa' với Đức vì 'hứa hão'

Minh Nhật (theo CNBC) Thứ sáu, ngày 16/09/2022 20:21 PM (GMT+7)
Mối quan hệ của Ukraine với Đức đang ngày càng xấu đi khi Kiev tỏ ra thất vọng, chất vấn Berlin rằng, vì sao họ không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine như những gì đã hứa trước đó, theo CNBC.
Bình luận 0
Ukraine 'nổi đóa' với Đức vì 'hứa hão' - Ảnh 1.

Ukraine khao khát xe chiến đấu bộ binh “Marder” của Đức nhưng chưa được Berlin gửi "hàng". Ảnh Getty

Căng thẳng về việc Đức không cung cấp xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder đã hứa hẹn trước đó cho Ukraine đã bùng phát trong tuần này. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mới đây công khai đặt câu hỏi tại sao Berlin lại từ chối cam kết gửi những vũ khí này cho Ukraine.

“Đức đã phát ra những tín hiệu đáng thất vọng trong khi Ukraine cần các xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder ngay bây giờ”, ông Kuleba viết trên Twitter và nhấn mạnh thêm rằng không có một lập luận thỏa đáng nào cho việc Đức khước từ gửi những vũ khí này cho Ukraine vì tất cả chỉ là những nỗi sợ hãi trừu tượng và những lời bào chữa.

“Berlin sợ cái gì?”, ông Kuleba chất vấn.

Marder là xe chiến đấu bộ binh của Đức được thiết kế để sử dụng cùng với xe tăng chiến đấu Leopard trên chiến trường.

Bình luận của ông Kuleba được đưa ra khi Ukraine đang đẩy mạnh các cuộc phản công chống lại lực lượng Nga ở cả phía nam và đông bắc nước này.

Cuộc phản công của Ukraine ở khu vực phía đông bắc Kharkov đang được ca ngợi là đã đạt thành công đặc biệt khi các lực lượng Nga phải rút khỏi nhiều thị trấn và làng mạc trong khu vực.

Ukraine chủ yếu dựa vào các hệ thống vũ khí của phương Tây để chống lại lực lượng Nga. Các đồng minh của nước này ở phương Tây, các thành viên NATO về cơ bản, đã gửi riêng cho Ukraine một lượng lớn khí tài quân sự.

Vào tháng 4, Đức đã hứa sẽ cung cấp xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Tuy nhiên, thay vì gửi những khí tài này trực tiếp cho Ukraine, Berlin lại đề xuất một kế hoạch hoán đổi. Theo đó, các thành viên NATO, chẳng hạn như Ba Lan hoặc Slovakia có thể gửi cho Ukraine những chiếc xe tăng cũ hơn từ thời Liên Xô (như Leopard 1) rồi sau đó Đức bù đắp cho những nước này các phiên bản hiện đại hơn mà nước này đang sở hữu (chẳng hạn như Leopard 2).

Đức biện minh cho đề xuất này bằng cách nói rằng, các lực lượng của Ukraine đã quen sử dụng khí tài cũ hơn từ thời Liên Xô và rằng, Kiev chỉ nên được cung cấp các loại vũ khí mà họ biết cách sử dụng.

Vấn đề của kế hoạch này là việc trao đổi vũ khí như vậy phần lớn đã không thành hiện thực và Đức hiện đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình, cả trong và ngoài nước - đặc biệt từ Ukraine.

Ông Yuriy Sak, Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói với CNBC rằng, Kiev không hiểu vì sao Berlin không gửi cho họ những loại vũ khí có tính quyết định trên chiến trường.

“Rất khó để đọc được suy nghĩ của họ, nhưng nhiều lời hứa của Đức trong bảy tháng qua không khớp với hành động của họ. Và điều này thật đáng thất vọng vì đã có thời điểm họ cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine những chiếc xe tăng đó khiến chúng tôi tràn đầy hi vọng và mong đợi", ông Yuriy Sak tuyên bố.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn đang tiếp tục kêu gọi các đồng minh quốc tế của Ukraine tiếp tục gửi vũ khí cho nước này và nhấn mạnh rằng, đây là lúc nước này cần chúng nhất để duy trì động lực chiến tranh.

Ông Zelensky nhấn mạnh, những khí tài như xe tăng Leopard của Đức và xe chiến đấu bộ binh Marder có thể thay đổi cán cân cuộc chiến một cách rõ ràng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem