Ứng dụng video Ấn Độ tuyên bố không bao giờ gọi vốn từ Trung Quốc
Ứng dụng video TikTok thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc) từng làm mưa làm gió với hơn 200 triệu người dùng tại thị trường Ấn Độ. Nhưng đó là trước khi vụ xung đột biên giới Trung - Ấn nổ ra thổi bùng làn sóng tẩy chay Trung Quốc của người dân quốc gia Nam Á này.
Hồi tuần trước, trong một động thái mạnh tay với Bắc Kinh, chính phủ Ấn Độ đã chặn 59 ứng dụng Trung Quốc bao gồm cả TikTok. Ngay cả khi chưa có sự can thiệp của chính phủ, người dân Ấn Độ đã tự gỡ bỏ các ứng dụng Trung Quốc trong một chiến dịch #BoycottChineseProducts được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Một app tìm diệt ứng dụng Trung Quốc có tên Remove China App thậm chí được hàng triệu người Ấn Độ tải về trước khi bị Google gỡ bỏ.
Khi TikTok bị cấm khỏi Ấn Độ, các ứng dụng chia sẻ video ngắn tương tự lên ngôi. Trong đó, Chingari - ứng dụng video địa phương được hưởng lợi lớn nhất với 10 triệu lượt tải xuống trong chưa đầy 1 tháng. Sumit Ghosh, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Chingari hôm 8/7 tiết lộ công ty khởi nghiệp này đang trong quá trình kết thúc vòng kêu gọi tài trợ 10 triệu USD vào tuần tới để ứng phó với sự tăng trưởng đột biến lượng người dùng trong một thời gian ngắn như vậy.
Nhưng Ghosh nhấn mạnh rằng Chingari sẽ không nhận tài trợ từ các nhà đầu tư Trung Quốc. “Không có vốn từ Trung Quốc, không có các công ty ví điện tử Trung Quốc, không có đầu tư trực tiếp hay gián tiếp của Trung Quốc vào Chingari… Có rất nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu sẵn sàng đổ tiền vào Chingari. Nên chắc chắn chúng tôi không tìm kiếm đầu tư từ Trung Quốc”.
Bên cạnh Chingari, một số ứng dụng chia sẻ video tương tự TikTok như Roporo cũng trở nên phổ biến tại Ấn Độ, theo tin tức của Reuters.
Chính phủ Ấn Độ được cho là đang thảo luận một dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Ủy ban Nghị viện. Động thái được thực hiện trong bối cảnh nhiều nhà phê bình quan ngại dữ liệu cá nhân người dùng được Bắc Kinh thu thập thông qua các ứng dụng do công ty Trung Quốc sở hữu. Theo luật gián điệp và an ninh quốc gia Trung Quốc, các công ty này sẽ buộc phải cung cấp thông tin nếu bị chính phủ yêu cầu. Đây cũng là điều luật mà chính phủ Mỹ quan ngại và chỉ trích bấy lâu nay.
Cấm ứng dụng Trung Quốc: bước đi đúng đắn của chính phủ Ấn Độ?
Nhiều công ty công nghệ Ấn Độ đã phải vật vã để cạnh tranh trên chính thị trường nội địa, trước hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Facebook, Amazon… và cả các đại gia công nghệ Trung Quốc với lợi thế giá tương đối.
Ví dụ, các nhà sản xuất smartphone Ấn Độ suốt thời gian qua đã bị chèn ép trên chính thị trường nội địa do sự xuất hiện của các dòng smartphone Trung Quốc giá rẻ, chất lượng cao như Oppo, Xiaomi, Vivo… 4 trên 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Ấn Độ có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất smartphone địa phương chỉ chiếm giữ được vỏn vẹn 1% thị phần.
Ông Bharti Mittal, người sáng lập và CEO của Hike Messenger nhận định việc các nhãn hàng Trung Quốc cung cấp sản phẩm số lượng lớn với mức giá thấp đáng kể tại Ấn Độ có thể “phá hủy hệ sinh thái địa phương”. Ông Mittal cho rằng chính phủ Thủ tướng Modi đã đúng đắn khi cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc, đặt Ấn Độ lên vị trí hàng đầu để phát triển nền kinh tế tự chủ hơn.
“Để phát triển nền kinh tế Ấn Độ, chúng ta cần phải có một ngành công nghiệp địa phương giàu tiềm lực. Không chỉ không gian internet, chúng ta phải có một ngành công nghiệp sản xuất thịnh vượng, một ngành công nghiệp dược phẩm mạnh mẽ” - ông Mittal nhấn mạnh.