Uốn cong cả gỗ theo đặt hàng của "ông trùm" McDonald, Starbucks, một doanh nghiệp ở Bình Dương thu 4 triệu USD

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 13/11/2022 08:51 AM (GMT+7)
Đi vào thị trường ngách, làm theo đơn đặt hàng của những "ông trùm" đồ ăn nhanh nước Mỹ như McDonald, Starbucks là cách một doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vượt qua khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu gỗ có xu hướng giảm do tác động của lạm phát toàn cầu.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ theo đơn đặt hàng của hai "ông trùm" đồ ăn nhanh Mỹ, giá cao, ổn định

Là một doanh nghiệp chuyên tập trung vào sản phẩm ván ép uốn cong, sản xuất theo đơn đặt hàng của những "ông trùm" thức ăn nhanh nước Mỹ như Starbucks, McDonald, Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam có nhà máy chế biến ở xã An Điền, thị xã Bến Cát, Bình Dương đã và đang vượt qua khó khăn chung của ngành chế biến xuất khẩu gỗ thời điểm này khi các đơn hàng có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty cho biết, không đi theo sản xuất đại trà, doanh nghiệp của ông tập trung vào thị trường ngách là ván ép uốn cong, chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ như Starbucks, McDonald.

"Làm những dòng sản phẩm  này tuy khó hơn, cao cấp hơn và phải theo khuôn đối tác yêu cầu nhưng bù lại giá cao", ông Nhật cho biết.

Uốn cong cả gỗ theo đặt hàng của "ông trùm" McDonald, Starbucks, một doanh nghiệp thu 4 triệu USD - Ảnh 1.

Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam có trụ sở ở xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) sản xuất ván ép uốn cong theo đơn đặt hàng của McDonald, Starbucks (Mỹ). Trong ảnh: Công nhân chế biến gỗ tại nhà máy của Công ty Nhật Nam ở Bình Dương. Ảnh: K.N

Để làm được ván ép uốn cong, công ty ông Nhật sử dụng khoảng 95% là gỗ cao su, 5% là các loại gỗ nhập khẩu. 

"Từ những tấm ván mỏng, chúng tôi quét sơn, sau đó đưa vào khuôn ép theo đúng yêu cầu của đối tác", ông Nhật nói.

Đối với việc sử dụng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC), ông Nhật cho biết, nếu khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ phải lấy từ diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì doanh nghiệp của ông buộc phải nhập khẩu từ những quốc gia có rừng đã được cấp FSC.

"Khách hàng ngày càng đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc gỗ, 25% số lượng đơn hàng của chúng tôi có yêu cầu nguyên liệu phải có FSC nên chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng. Nếu đàm phán được với khách hàng đồng ý sử dụng gỗ keo thì đơn giản hơn vì hiện diện tích gỗ keo có chứng chỉ FSC ở Việt Nam đã nhiều hơn", ông Nhật thông tin.

Cũng theo ông Nhật, gỗ cao su trắng đẹp, làm được nội thất cao cấp tuy nhiên hiện nay cao su của Việt Nam chưa có chứng chỉ FSC. Đáng chú ý, nếu làm gỗ có chứng chỉ FSC, giá của sản phẩm cao hơn khoảng 25%. Giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ cộng với thị trường trong nước của doanh nghiệp của ông Nhật đạt khoảng 4 triệu USD/năm.

"Thành công lớn nhất của doanh nghiệp chúng tôi trong năm nay là giữ được công nhân, trả lương đầy đủ, giữ vững sản xuất nhờ đi theo thị trường ngách", ông Nhật nói.

Tuy nhiên, đánh giá về thị trường xuất khẩu gỗ năm 2023, ông Nhật tỏ ra dè dặt. "Một số thị trường đang lo năng lượng sưởi ấm do đó nhu cầu viên nén tăng mạnh, những nhu cầu không thiết yếu sẽ bỏ qua. Vượt qua mùa đông này, kéo dài đến tháng 4 khi đó mới có thể đánh giá thị trường như thế nào thì mới có thể hoạch định lại chiến lược cần phát triển", ông Nhật nhận định.

Hướng đến những dòng sản phẩm cao cấp

Tương tự, do làm dòng ván Plywood cao cấp nên Công ty CP Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vẫn trụ vững giữa lúc thị trường ngành xuất khẩu gỗ đang có những biến động nhất định.

Uốn cong cả gỗ theo đặt hàng của "ông trùm" McDonald, Starbucks, một doanh nghiệp thu 4 triệu USD - Ảnh 2.

Công ty CP Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vẫn trụ vững giữa lúc thị trường ngành xuất khẩu gỗ đang có những biến động nhất định nhờ sản xuất dòng ván Plywood cao cấp. Ảnh: Tekcom.

"Đúng là lạm phát ở Mỹ, EU có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu nhưng 3 tháng cuối năm tình hình đã khả quan hơn. Đặc biệt, Tekcom làm hàng chất lượng cao, có thể cạnh tranh được với Plywood làm từ gỗ birch của Nga nên chúng tôi đang kỳ vọng có thể thay thế mặt hàng này của Nga ở một số thị trường", bà Cao Thị Thúy An, Trưởng phòng bán hàng của Công ty CP Tekcom cho biết.

Về vấn đề điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, bà An cho biết, đó tuy là một trở ngại nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn chứng minh được nguyên liệu gỗ không có nguồn của Trung Quốc để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2022 và tăng 25,9% so với tháng 10/2021.

Trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tuy nhiên, do tác động của lạm phát toàn cầu, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý III/2022 có xu hướng giảm tốc, chỉ đạt 3,88 tỷ USD, giảm 12,2% so với quý 2/2022.

Đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính hiện nay nhưng trong 9 tháng năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này giảm do xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ giảm tốc. Áp lực lạm phát cao tại thị trường nhập khẩu chính trong khu vực châu Mỹ là Mỹ khiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này giảm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem