Vaccine Covid-19: Dự án đầu tư đáng giá để phục hồi kinh tế?

28/02/2021 08:26 GMT+7
Tiêm đủ vaccine Covid-19 đã được coi như một tấm 'thẻ Xanh' để mọi người tham gia trở lại nền kinh tế. Những tia hy vọng mới đã được thắp lên...
Vaccine Covid-19: Dự án đầu tư đáng giá để phục hồi kinh tế? - Ảnh 1.

Những dự báo khả quan cho năm nay chủ yếu dựa vào điều kiện sẽ có vaccine Covid-19 tiêm phòng cho mọi người, cùng với các biện pháp ứng cứu kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh, nhưng trên hết, cảm giác cuối cùng là đến một lúc nào đó thế giới có thể quay trở lại cuộc sống như trước kia, khi không có Covid-19. Vaccine mang tới hy vọng ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cải thiện thị trường lao động và cuối cùng mở toang cánh cửa biên giới mỗi quốc gia với tất cả phần còn lại của thế giới.

Kỳ vọng “thẻ Xanh”

Ngày 21/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trên Twitter: “Chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới tự hồi phục nhờ hàng triệu liều vaccine. Nếu bạn đã tiêm chủng, mời nhận “thẻ Xanh” và trở lại cuộc sống bình thường”.

Trở thành quốc gia đầu tiên có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới, với gần 1/3 dân số đã được tiêm hai mũi, Israel chính thức tái mở cửa nền kinh tế. Tấm “thẻ Xanh” thuộc về những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine từ hơn một tuần hoặc đã khỏi bệnh và có kháng thể.

Đầu tư cho vaccine để sớm kích hoạt cuộc sống bình thường và cam kết sẽ không phải chịu thêm bất cứ lệnh phong tỏa nào nữa đó là cách mà Israel đã lựa chọn để vượt qua đại dịch Covid-19

Những tấm “thẻ Xanh” đang trở thành niềm hy vọng của nền kinh tế Israel vốn đang chật vật với dịch bệnh. Hơn 750.000 ca bệnh, 5.577 ca tử vong, ba lần phong tỏa toàn quốc (tính đến 22/2), đợt phong tỏa ít thiệt hại nhất, cũng đã khiến Israel thiệt hại khoảng 1,56 tỷ USD, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ 5% lên 26%.

Bài toán đi trước về vaccine của Israel được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chưa có một tổng kết chính xác về hiệu quả tiêm phòng, nhưng số ca mắc bệnh dường như đang có xu hướng giảm nhanh tại Israel và một số nước có tỷ lệ tiêm phòng đáng kể.

Vaccine được kỳ vọng có thể mở ra cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021. Giới đầu tư chính là những người đang tỏ ra hưng phấn nhất, thậm chí người ta thấy rằng, mỗi thông tin tích cực về vaccine là một phiên chứng khoán tăng điểm. Các chỉ số chứng khoán ở khắp các châu lục ghi nhận những kỷ lục mới, các sàn hàng hóa bắt đầu nhận thấy sự hồ hởi trở lại.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu năm 2021 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã vẽ ra một viễn cảnh tích cực, rằng việc triển khai các loại vaccine có hiệu quả cao một cách nhanh chóng, đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ giảm nhanh, kích hoạt niềm tin của người tiêu dùng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén, thương mại dần được cải thiện.

Tuy nhiên, vấn đề vaccine có vẻ vẫn chưa thể dừng lại ở những chiếc “thẻ Xanh”. Khả năng mở cửa biên giới quốc gia vẫn là vấn đề mà nhiều người lo ngại, cho rằng cần có những phân tích và lập kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng đóng cửa lâu dài, nhưng vẫn có cách tốt nhất để bảo vệ người dân. Như vậy, dường như khó khăn vẫn chưa hẳn đã kết thúc.

Vaccine không tự chữa khỏi tai ương kinh tế

Những dự báo khả quan cho năm nay chủ yếu dựa vào điều kiện sẽ có vaccine Covid-19 tiêm phòng cho mọi người, cùng với các biện pháp ứng cứu kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra kỳ vọng, đến cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu có thể đạt mức như trước đại dịch.

Giới ngân hàng đầu tư ở Phố Wall cũng có cái nhìn lạc quan về kinh tế toàn cầu năm tới. Trong số này, Morgan Stanley có quan điểm lạc quan hơn cả, khi dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt 6,4% trong 2021. Ít lạc quan nhất như Citigroup cũng dự báo đạt 5%.

WB thì thận trọng hơn, dự báo tăng trưởng toàn cầu vào khoảng 4%, nhưng còn phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine. WB còn nhấn mạnh rằng, dù sao thế giới vẫn không thể đảo ngược được toàn bộ những “nỗi đau” về kinh tế trong năm 2020.

Tăng trưởng GDP thế giới năm 2021, nếu thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đại dịch, tức là về cơ bản, cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19 đã khiến thế giới thiệt hại khoảng ba tỷ USD.

Nói về triển vọng phục hồi, Chủ tịch WB David Malpass nhận định là “sự phục hồi chưa rõ ràng”. Thế giới vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn, mà theo Chủ tịch WB, “để vượt qua tác động của đại dịch và chống lại các ‘cơn gió ngược’ trong đầu tư, cần phải có một động lực lớn cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường tính linh hoạt của thị trường lao động và sản xuất, củng cố tính minh bạch và quản trị”. Như vậy, có thể hiểu vaccine sẽ không giúp chữa những tai ương mà kinh tế thế giới đã mắc phải.

Tuy nhiên, ở một kịch bản bi quan, WB cho rằng, khi các ca lây nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng, cùng với sự chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine, nền kinh tế thế giới chỉ có thể lấy lại được 1,6% tăng trưởng trong năm 2021.

Vaccine Covid-19: Dự án đầu tư đáng giá để phục hồi kinh tế? - Ảnh 2.

Israel khẳng định vaccine Covid-19 của Pfizer phòng bệnh hiệu quả tới gần 96%TGVN. Ngày 20/2, Bộ Y tế Israel thông báo các dữ liệu gần đây từ chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc cho thấy việc ...

“Phương thuốc” hồi phục

Tuy nhiên, dù vaccine đang được triển khai rộng rãi thì sự thận trọng và cảnh giác chắc chắn vẫn không thừa. Nhiều chuyên gia cảnh báo, vaccine là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng không có nghĩa đại dịch có thể ngay lập tức chấm dứt.

Theo như phân tích của chuyên gia cao cấp Mike Ryan của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có vaccine không đồng nghĩa với hết Covid-19. Số ca nhiễm vẫn có thể bùng nổ nếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ không được duy trì thêm một thời gian. Đặc biệt khi câu hỏi về tính hiệu quả, an toàn và thời gian hữu dụng của vaccine còn chưa có lời giải cụ thể.

Và nếu như có một viễn cảnh rạng rỡ hơn sắp mở ra, thì những tháng đầu năm 2021 được dự báo sẽ vẫn còn là khoảng thời gian kinh tế thế giới chật vật. Dù tin tưởng kinh tế hồi phục trong năm nay, thì giới đầu tư vẫn có chung quan điểm, thất nghiệp và lạm phát sẽ vẫn còn là vấn đề lớn tại hầu hết các khu vực của thế giới và việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục phải duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi.

Công thức hoàn hảo được đưa ra trong giai đoạn kinh tế phục hồi vẫn phải là vaccine trên diện rộng + gói kích thích kinh tế hiệu quả. Trong đó, gói kích thích sẽ giữ cho nền kinh tế đứng vững cho tới khi đa số người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Phạm Thắng
Cùng chuyên mục