Vẫn chưa thỏa mãn vốn cho tam nông

Thứ hai, ngày 15/08/2011 04:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phóng viên NTNN trao đổi với ông Tạ Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xung quanh các giải pháp cho vấn đề ưu tiên vốn cho lĩnh vực tam nông
Bình luận 0

Thưa ông, mặc dù chính sách ưu đãi cho vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ, NHNN quan tâm nhưng thực tế số dư cho vay ở lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Vậy ông có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của NHNN đối với việc cho vay lĩnh vực này để đảm bảo sự khuyến khích, ưu đãi đúng với chủ trương như thế nào?

- Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối nguồn vốn và dành sự ưu đãi tốt nhất để cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các chính sách tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 20%; phải giảm tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất để tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất mà nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên. Nếu như trước đây cho vay nông nghiệp nông thôn chủ yếu do Ngân hàng NNPTNT Việt Nam thực hiện, đến nay đã có nhiều ngân hàng thuộc các thành phần kinh tế khác cùng tham gia.

img
Dù có chủ trương tăng vốn cho tam nông, nhưng ở nhiều nơi người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn (ảnh minh hoạ) .

Quan điểm của NHNN là tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung đầu tư vốn cho nông nghiệp nông thôn, không có chuyện làm khó nguồn vốn cho tam nông. NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ các TCTD thực hiện chủ trương này thông qua các chính sách đã được quy định trong Nghị định 41, cụ thể là khuyến khích các TCTD tăng tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn cao (từ 40% trở lên). Hỗ trợ thông qua hình thức Tái cấp vốn đối với các TCTD có đề án cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn khá.

Nghị định 41/2010/NĐ-CP quy định đối tượng là hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tới 500 triệu đồng không cần phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên, theo phản ánh một số hợp tác, chủ trang trại vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng này. Xin ông cho biết NHNN có chủ trương, giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này?

Doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm của các TCTD là 289.197 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến 30.6.2011 là 456.412 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2010 (cao gấp hơn 3 lần mức tăng trưởng bình quân của nền kinh tế). Những ngành, lĩnh vực chủ chốt trong nông nghiệp như lúa gạo, cà phê, thủy sản… đều được ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua và xuất khẩu. Tổng dư nợ cho vay các HTX và chủ trang trại đến 30.6.2011 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2010.

- Trang trại và HTX là các đối tượng được ngành ngân hàng rất quan tâm và tạo điều kiện vay vốn để phát triển. Mức vay lên tới 500 tỷ đồng được quy định trong Nghị định 41 chỉ là mức vay không cần có tài sản bảo đảm. Trong thực tế thì HTX và chủ trang trại có thể vay với số tiền lớn hơn nhiều. Tổng dư nợ cho vay các HTX và chủ trang trại đến 30.6.2011 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2010.

Tuy nhiên, trong thực tế có một số trang trại chưa tiếp cận được mức vay lên tới 500 triệu đồng do các điều kiện pháp lý của trang trại chưa đầy đủ (một số trang trại chưa được cấp chứng nhận về trang trại theo quy định) hoặc dự án, phương án vay chưa khả thi và TCTD quyết định chưa cho vay. Để được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng cần có sự nỗ lực của các TCTD, các chủ trang trại, HTX và các bên có liên quan.

So với nhu cầu, nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn như “muối bỏ bể”. Để có vốn phục vụ cho sản xuất và đời sống người nông dân và các đối tượng khác phải đi vay nặng lãi. Xin ông cho biết NHNN có giải pháp gì để cải thiện tình hình này, đồng thời đảm bảo cho những ưu đãi đến đúng đối tượng?

- Ở các nước đang phát triển, nhu cầu về nguồn vốn để đầu tư luôn luôn là vấn đề khó khăn, xuất phát từ nhu cầu thực tế; vì vậy ở nước ta cũng không là ngoại lệ, đặc biệt là nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Mặc dù trong thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều cố gắng, nhưng việc tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của các TCTD vẫn chưa thoả mãn được hết các nhu cầu.

Ở khu vực nông thôn ngoài nguồn vốn vay ngân hàng thì các chủ trang trại và hộ sản xuất còn có thể sử dụng nhiều nguồn vốn khác để sản xuất kinh doanh, như vay mượn, hỗ trợ vốn giữa bà con họ hàng, các xã viên trong HTX ở nông thôn; mua các sản phẩm hàng hóa phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi dưới hình thức mua chịu của các đại lý (nhiều nơi đã xuất hiện hình thức ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho người nông dân mua chịu phân bón, thức ăn chăn nuôi của các đại lý trên địa bàn).

Kinh nghiệm cho thấy, những đối tượng khách hàng huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn thì hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn đối với các khách hàng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn vay ngân hàng.

img Quan điểm của NHNN là tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung đầu tư vốn cho nông nghiệp nông thôn, không có chuyện làm khó nguồn vốn cho tam nông. img

Ông Tạ Quang Khánh

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm dần cho vay lĩnh vực phi sản xuất theo lộ trình để bổ sung nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. NHNN tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để bổ sung nguồn vốn, góp phần giảm chi phí vốn đầu vào cho nông nghiệp nông thôn để có mức lãi suất hợp lý đối với người nông dân nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.

Cải cách thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng là một chủ trương lớn của ngành ngân hàng. Vậy thưa ông, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ có những cải tiến gì trong vấn đề này, đặc biệt là tháo gỡ để các chủ trang trại, hợp tác xã có thể vay được vốn để phát triển kinh tế trang trại “ra tấm, ra món”?

- Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện dễ dàng cho khách hàng muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cơ chế giao dịch một cửa, cho vay thông qua việc ủy thác cho các tổ chức chính trị, xã hội ở nông thôn, cán bộ tín dụng chủ động đến từng địa bàn và phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để cho vay trực tiếp đến người nông dân, thu nợ và gốc ngay trên địa bàn của khách hàng… đã hỗ trợ rất nhiều và giúp người nông dân biết được các chính sách của ngân hàng trong từng thời kỳ.

Trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện cải cách các thủ tục hành chính để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng phải bảo đảm tính pháp lý và hiệu quả của khoản vay. Nếu là chủ trang trại, để được hưởng các chính sách của Nhà nước thì chủ trang trại phải được chứng nhận của cấp có thẩm quyền về tư cách pháp lý của mình, có dự án, phương án sử dụng vốn vay có hiệu quả. Vấn đề này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp có liên quan đối với ngành ngân hàng để đạt được các kết quả tích cực hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem