Vấn đề “đạo nhái” smartphone: Apple, Samsung và Xiaomi, ai mới là kẻ “học theo”?

Thứ năm, ngày 21/07/2022 15:01 PM (GMT+7)
Thế giới smartphone đã bão hoà và các hãng đã và đang cố gắng tối ưu những tính năng sao cho tiện lợi với người dùng nhất. Không hề khó để có thể nhận ra sự tương đồng về thiết kế phần cứng, phần mềm giữa một số hãng, điển hình là Xiaomi, Samsung và Apple, top 3 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Bình luận 0

Không ít những lời chỉ trích từ fan hãng này đến hãng khác về sự đạo nhái. Thậm chí còn có những “cuộc chiến” giữa fan iOS và Android, macOS và Mac hay dễ hiểu là cuộc chiến “đạo” giữa Apple và phần còn lại. Không khó để thấy Apple cũng đã từng sao chép ý tưởng từ hãng khác, nhưng chính phó giám đốc Marketing của họ lại chỉ trích Samsung là “ăn cắp”, dù chuyện cũng đã qua quá lâu.

Apple – Một nhà sản xuất smartphone sáng tạo, nhưng giờ thì khác

Chúng ta không phủ nhận rằng Apple là một công ty sáng tạo, từ chiếc iPod định hình thị trường máy nghe nhạc hiện đại cho đến iPhone mở đầu kỉ nguyên smartphone hay iPad bắt đầu cho thế giới máy tính bảng. Đặc biệt khi nhắc đến thị trường smartphone, Apple đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực từ màn hình cảm ứng điện dung, chợ ứng dụng trên điện thoại hay cuộc đua trợ lý ảo trên smartphone.

Nhưng tất cả chỉ còn là quá khứ, cùng với sự bão hoà của thị trường điện thoại, hãng đã có những bước “dậm chân” trong việc đem thêm sự sáng tạo vào iPhone. Về căn bản, cái gì tốt thì đừng thay đổi nó – Apple đã và đang làm như vậy với iPhone, một dòng điện thoại không cần thay đổi quá nhiều nhưng vẫn bán chạy.

Lại bàn về vấn đề “đạo nhái” trong giới smartphone – Apple, Samsung và Xiaomi, ai mới là kẻ “học theo”? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, bởi vì hình ảnh và liên kết thương hiệu của iPhone vốn đã gắn với yếu tố “sáng tạo” từ rất lâu. Vì thế, một số tính năng của iPhone dù có sau hãng khác nhưng đối với người dùng chúng vẫn là độc nhất, chắc có lẽ vì họ chỉ trung thành với iPhone nên không quan tâm nhiều.

Điều này không có nghĩa rằng bất cứ hãng nào có tính năng tương tự thì lại mang tiếng “copy Apple”. Ngay cả phó giám đốc Marketing Apple cũng đã chỉ trích Samsung là ăn cắp và chỉ biết phóng lớn. Trong khi nhìn ở hiện tại, Samsung với Apple vốn không còn nhiều điểm chung về phần mềm hay thiết kế. Ngay cả Xiaomi bị mang danh là “Apple Trung Hoa” từ lâu, dù đã và đang cố tạo nên chất riêng cho máy của mình nhưng vẫn bị soi là “nhái Táo”. Trong khi đó một số tính năng Apple lấy ý tưởng từ hãng khác thì lại không bị chỉ trích đến như vậy.

“Trùng hợp” trong thị trường bão hoà là rất bình thường 

“Cái tốt học theo, cái xấu thì cải thiện” – Đây là điều hiển nhiên, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất smartphone. Không chỉ học theo, các hãng còn cải tiến những tính năng có trước của đối thủ, bỏ đi những yếu tố không tốt để thành một tính năng của riêng mình. Đó là lí do vì sao các năm trở lại đây Android lại ngày càng có xu hướng giống iOS (thiên về bảo mật hơn, làm các thao tác vuốt điều hướng,…) còn iOS lại ngày càng giống Android hơn (Widget, tuỳ biến màn hình khoá, thông báo cuộc gọi,…).

Sự giống nhau giữa các hãng đã được xem là quá bình thường, trừ khi ăn cắp tráo trợn, không có bản sắc riêng thì nên được lên án, còn tính năng tương tự nhau thì chỉ nên xem là học hỏi chứ. Chung quy lại ngoài cạnh tranh ra, sự copy nhau giữa các hãng còn đem lại sự tiện lợi cho người dùng khi sao chép những tính năng, thiết kế hữu ích để đáp ứng triết lý hướng người dùng (user centric) dẫn đến các thiết bị ngày càng có thiết kế và trải nghiệm giống nhau. Trừ duy nhất việc các hãng học hỏi nhau bỏ củ sạc, rất chê nha, không hề hướng người dùng chút nào.

Lại bàn về vấn đề “đạo nhái” trong giới smartphone – Apple, Samsung và Xiaomi, ai mới là kẻ “học theo”? - Ảnh 2.

Tuy nhiên không khó để nhận ra các smartphone hiện tại (trừ màn hình gập) đang quá an toàn. Các hãng học hỏi nhau và ngày càng cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các sáng kiến táo bạo vào trong sản phẩm để tránh tổn thất quá lớn. Bài học của LG vẫn còn đó, một trong những hãng đem rất nhiều chất xám vào một chiếc điện thoại, hãng tiên phong dùng màn hình lượng tử trên smartphone, tiên phong dùng 2 màn hình riêng biệt; hay chiếc LG G5 với khả năng tháo lắp phụ kiện tuyệt đỉnh, LG AKA có cảm xúc, siêu phẩm LG G4 với mặt lưng da và độ cong nhẹ để bền hơn.

ất cả rất tuyệt, nhưng rất tiếc, lỗi tràn ngập, thậm chí còn có những mẫu đột tử với số lượng lớn như LG G4 hay V10 đã đẩy LG vào vực thẳm. Biết đâu nếu lúc đó LG không dính “phốt”, thị trường smartphone giờ đây sẽ sáng tạo hơn?

Samsung – Đã từng giống Apple nhưng khác từ lâu

Với phát ngôn vừa qua của phó giám đốc Marketing Apple, có lẽ ông ta đang nhắc về quá khứ. Nhắc lại khi đó iPhone là một thứ gì đó rất mới, khác biệt hoàn toàn so với điện thoại di động trên thị trường. Việc dựa theo một sản phẩm đã thành công như iPhone để làm nên dòng Samsung Galaxy đầu tiên là điều dễ hiểu. Hay nói đúng hơn iPhone 2G sinh ra công thức làm smartphone thành công, Samsung dựa theo để làm nên và từ đó cải tiến, cho thêm ý tưởng của mình vào. Kết quả là chúng ta có dòng Note tiên phong màn hình to, dòng S6 trở đi với thiết kế vát màn hình hiện đại.

Samsung cũng đã từng thua kiện với Apple và rồi bồi thường cho Táo dở từ 4 năm trước. Giờ ông vua smartphone xứ Hàn không những không bắt chước iPhone mà còn đặt nền móng cho dòng điện thoại gập trong tương lai. Vì vậy việc nói Samsung bắt chước Apple rồi làm màn hình to lên có lẽ không đúng lắm.

Lại bàn về vấn đề “đạo nhái” trong giới smartphone – Apple, Samsung và Xiaomi, ai mới là kẻ “học theo”? - Ảnh 3.

Sự liên kết thương hiệu – Thứ làm Xiaomi bị mang mác “Apple Trung Hoa” 

Từ những ngày đầu, Xiaomi được gọi là Apple của Trung Hoa, CEO Lê Quân được gọi là Steve Jobs Trung Quốc. Vốn dĩ là một bệ đỡ khá tốt để Xiaomi trở nên “nổi danh” nhưng lại vô tình tạo nên liên kết với Xiaomi rằng họ là “Apple con”, thậm chí cựu trưởng bộ phận thiết kế Johny Ive của Apple từng chỉ trích thẳng Xiaomi là kẻ đạo nhái.

Cũng phải nói đến thị trường chính của Xiaomi khi đó là Trung Quốc. Nơi có tỷ lệ cuồng iPhone rất cao và những người không đủ chi trả sẽ ưu tiên hơn những dòng tựa tựa iPhone. Không chỉ Xiaomi mà còn Meizu, Gionee, ZTE,… cũng đã bắt chước kiểu dáng hay phần mềm của iPhone để tăng doanh số. Nhưng đó là ở quá khứ!

Lại bàn về vấn đề “đạo nhái” trong giới smartphone – Apple, Samsung và Xiaomi, ai mới là kẻ “học theo”? - Ảnh 4.

Thực tế ở hiện tại Xiaomi không còn “ăn theo” Apple, mà họ chạy theo xu hướng thị trường, như thời màn vát cong họ liền làm ngay màn vát cong, camera tai thỏ, thò thụt đụt lỗ hãng cùng làm tất, tới bây giờ là màn hình gập. Hơn thế nữa Xiaomi còn tiên phong trong một số mảng như sạc nhanh 120W, điện thoại chơi game, hay dòng Mi Mix để “lăng xê” cho những điện thoại viền mỏng, mở ra kỷ nguyên màn hình tràn viền như hiện tại.

Những nỗ lực của Xiaomi trong việc thoát ra khỏi cái bóng “Apple giá rẻ” cũng đã được đền đáp. Thậm chí hãng còn là một trong ba nhà sản xuất smartphone hàng đầu, chung mâm với cả Apple và Samsung. Vì vậy những nhìn nhận Xiaomi mãi đi sau Apple là những nhìn nhận đã cũ, có lẽ hãng sẽ cần phải đẩy mạnh truyền thông hơn ở điểm này. Điện thoại Xiaomi có khí chất của Xiaomi, không phải của một trái táo.

Cố CEO Apple – Steve Jobs đã từng trích lại câu của Pablo Picasso rằng: “Good artist copy, great artist steal”, nghệ sĩ giỏi biết sao chép, còn nghệ sĩ thiên tài biết biến của người khác thành của mình. Trong thị trường smartphone có lẽ cũng thế, không thể nói được ai “đạo” ai, chỉ có thể nói rằng Apple là một great artist trong làng smartphone, còn Xiaomi, Oppo,… là các good artist. Nhưng một hãng good artist có thể trở thành great artist nếu như có sự đầu tư đúng đắn, và họ đang trên công cuộc làm điều đó.

Nguyễn Phúc (Theo CP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem