Vận đen đeo bám, MPC của ông Lê Văn Quang “bốc hơi” 2.000 tỷ
Theo thông tin đăng tải ngày 4/6 của Undercurrentnews, trong bức thư gửi cho ủy viên Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) ông Kevin McAleenan, đại diện của bang Illinois, ông Darin LaHood cho biết đã nhận được bản cáo buộc điện tử được gửi vào ngày 12/5 liên quan đến việc Tập đoàn Minh Phú tránh thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ tại Mỹ.
Minh Phú bị cáo buộc né thuế chống bán phá giá đối với tôm
Bản cáo buộc nêu: "Dựa trên thông tin vụ việc, tôi yêu cầu CBP điều tra liệu rằng một nhà nhập khẩu của Mỹ và các công ty có liên quan tại Việt Nam có đang tránh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ hay không".
Chỉ đích danh Tập đoàn Minh Phú (MPC) và công ty nhập khẩu tại Mỹ của tập đoàn là Mseafood Corporation, ông cho biết: “Thông tin trên cũng cho biết hai công ty này có thể vi phạm Chương trình Giám sát Nhập khẩu Hải sản Mỹ (SIMP)”.
Ông cho biết, lá thư trên cáo buộc Tập đoàn Minh Phú đã lách thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh từ Ấn Độ, gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và “tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ”.
Một phần bức thư phản ánh việc Minh Phú bị tố cáo tránh thuế chống bán phá giá
Thủy sản Minh Phú của ông Lê Văn Quang bị cáo buộc mua một lượng lớn tôm đông lạnh từ Ấn Độ, rồi sau đó “chế biến ở mức tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua Mseafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam, ông nói."Nếu điều này là sự thật, CPB phải giải quyết tình trạng tránh thuế chống bán phá giá tôm Ấn Độ và ghi nhãn sai càng sớm càng tốt", ông LaHood nói.
Bộ Thương Mại Mỹ đã bắt đầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và một số nước khác từ năm 2005. Tuy nhiên, đến tháng 7/2016, Minh Phú được loại khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá.
Kể từ thời điểm đó, Minh Phú không phải cung cấp một thông tin về sản xuất và cũng không là đối tượng kiểm tra hàng năm của Bộ Thương mại Mỹ.
"Dữ liệu trong bản cáo buộc cho thấy sau khi Minh Phú được xóa khỏi danh sách bị áp thuế chống bán phá giá với tôm, công ty này tăng đáng kể lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ thông qua Mseafood nhằm tận dụng việc không bị áp thuế chống bán phá giá và Minh Phú trở thành một trong những công ty xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới nhờ mối quan hệ này.
Minh Phú đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất trên thế giới nhờ mối quan hệ trên, ông LaHood cho hay. “Cùng lúc đó, dữ liệu được bao gồm trong hồ sơ kiện tụng thể hiện các nhà sản xuất tôm ở Ấn Độ cũng tăng cường xuất khẩu tôm tới Việt Nam”, ông chia sẻ.
Đòn bẩy tài chính lớn, kết quả kinh doanh xuống dốc
Về kết quả kinh doanh của Thủy sản Minh Phú (MPC), báo cáo tài chính quý I/2019 của doanh nghiệp cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của MPC đang có chiều hướng đi xuống.
Cụ thể, trong kỳ này, thủy sản Minh Phú của “vua tôm” Lê Văn Quang ghi nhận mức doanh thu tăng hơn 10% lên 3.400 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tương ứng tăng mạnh, khiến lợi nhuận gộp điều chỉnh từ mức 385 tỷ (quý 1/2018) về 344 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh Minh Phú giảm mạnh hơn 30% về chỉ còn 344 tỷ đồng.
Tương ứng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ điều chỉnh đáng kể về xấp xỉ 87 tỷ, so với mức 102 tỷ cùng kỳ giảm 15%.
So với con số mục tiêu đầy tham vọng năm 2019 là 2.300 tỷ đồng, sau 3 tháng đầu năm MPC thực hiện chưa đến 4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế với hơn 90 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản MPC vào mức 8.473 tỷ đồng, giảm từ mức hơn 9.000 tỷ hồi đầu năm. Riêng hàng tồn kho chiếm quá nửa với hơn 4.304 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu MPC đạt 3.211 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý 1 có được 1.513 tỷ đồng. Nợ ghi nhận 4.672 tỷ với phần lớn là nợ vay (vay ngắn hạn 2.972 tỷ và vay dài hạn 1.155 tỷ đồng).
Đòn bẩy tài chính lớn cũng là vấn đề MPC phải đối mặt trong thời gian gần đây và kéo theo sự suy giảm về lợi nhuận.
Trước đó, quý IV/2018, MPC ghi nhận 157 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh từ mức 377 tỷ của quý liền trước.
Nếu xét theo năm, kết quả kinh doanh của MPC có nhiều biến động và không ổn định suốt trong nhiều năm trở lại đây.
Đến 31/12/2018, MPC có tổng nguồn vốn kinh doanh trên 9.000 tỷ nhưng nợ phải trả hơn 5.300 tỷ. Đặc biệt, chi phí lãi vay duy trì quanh mức trên dưới 200 tỷ đồng mỗi năm (năm 2018 chi phí lãi vay ở mức 205 tỷ đồng). Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của MPC. Chi phí vốn lớn với thời gian thu hồi lâu dẫn đến việc phải phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng là một trong những hạn chế của các công ty thủy sản trong nước.
Trước đó, tại Phiên hiến kế về nông nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, “vua tôm” Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, vấn đề về nguồn vốn đang là điểm nghẽn đối với người nuôi tôm. Trong khi đó, ngân hàng không dám đầu tư cho nuôi tôm dù ai cũng biết nuôi tôm có lời.
“Lãi vay mà doanh nghiệp nuôi tôm rất lớn, thậm chí 30 – 50%/năm. Mặc dù phải vay chợ đen để nuôi tôm nhưng doanh nghiệp vẫn có lời”, ông Lê Văn Quang khẳng định.
Trên thị trường, giá trị MPC liên tiếp điều chỉnh kể từ mức đỉnh đạt được 49.400 ghi nhận vào cuối tháng 3/2019. Đến thời điểm hiện tại, thị giá của MPC duy trì ở mức 33.700 đồng/cp. Như vậy sau 2 tháng, MPC của “vua tôm” Lê Văn Quang đã bốc hơi tới trên 30% giá trị. Vốn hóa của MPC chỉ còn khoảng 4.666 tỷ đồng, “bốc hơi” khoảng 2.000 tỷ đồng.