Vận động tranh cử qua mạng xã hội, tại sao không?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 14/05/2021 12:17 PM (GMT+7)
Vận động tranh cử bằng mạng xã hội, bằng hình thức trực tuyến là cách làm hữu ích trong đại dịch và khi công nghệ thông tin có bước phát triển đột phá.
Bình luận 0

Có lẽ với mỗi ứng cử viên của các kỳ cuộc bầu cử từ bầu Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp lâu nay, việc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cho mình khó có mấy ai đi đủ tất cả các đơn vị bầu cử cơ sở. Cách tổ chức cho người được ứng cử hoặc tự ứng cử tiếp xúc cử tri thường chỉ là mời một số người nhất định và được coi là "đại cử tri" đến Hội trường Uỷ ban quận, huyện địa phương mình rồi nghe họ diễn thuyết, hứa hẹn các chương trình hành động...

Cách làm này cũng không còn là cách duy nhất nữa, khi công nghệ thông tin ngày nay với mạng xã hội đã có bước đột phá đặc biệt khó tưởng tượng. Cũng nhờ bước đột phá đó mà mọi người có điều kiện gần gũi nhau nhiều hơn trước cả một trời một vực. 

Lâu nay, cho dù các ứng viên có bày tỏ quan điểm và kế hoạch thi triển chương trình hành động của mình trước cử tri cho cả một nhiệm kỳ nếu được tham gia cơ quan dân cử, nhưng trong thực tế cũng không nhiều người được biết lời cam kết này, trừ những ai có vinh dự được mời dự lần gặp gỡ cử tri hiếm hoi đó.

Tôi cũng chưa có khi nào có được vinh hạnh được đi tiếp xúc người ứng cử, và cũng chưa khi nào được nghe những người đi dự cuộc gặp của các ứng cử viên đó truyền đạt lại, để biết ngoài mấy tờ danh sách cử tri in thật to, trang trọng mà Uỷ ban bầu cử tỉnh (thành phố) mình sinh sống gửi đến từng nhà, nhằm giúp cho việc trước khi đến bỏ phiếu có thể biết đôi chút về người mình sẽ bầu hoặc không bầu. 

Nếu chỉ như vậy thì quả là khó để cử tri có thể hiểu sâu và chắc chắn hơn về một người nào đó chỉ qua mấy dòng trích yếu rất khiêm tốn như thế.

Vận động tranh cử qua mạng xã hội, tại sao không? - Ảnh 2.

Lương Thế Huy, một người tự ứng cử, thường xuyên cập nhật các hoạt động của mình trên trang FB cá nhân. Ản: FB Lương Thế Huy.

Trong khi đó, lời hứa và kế hoạch hành động của các "nghị viên", dù chưa ai khẳng định rằng họ sẽ làm được hay chỉ dừng lại qua lời hứa với "đại cử tri" ngày nào, nên chăng đã đến lúc cần tính thêm một vài hình thức khác: Đó là dùng mạng xã hội để thuyết khách một cách nghiêm túc nhất hoặc tổ chức vận động trực tuyến?

Người có nhiệm vụ đi vận động tranh cử có thể dùng các hình thức này tiếp cận, giao lưu và qua đó giải đáp thắc mắc tới từng người thuộc địa bàn mình ứng cử. Hình thức này càng khả thi và mang tính chủ động hơn nếu dịch bệnh đang diễn biến nặng nề, phức tạp. 

Tại sao lại không làm như thế trong khi chúng ta đang sống trong một thời đại công nghệ số đầy thông minh và không có gì là không thể! Cách đây dăm, mười năm, điều này có thể còn là khó hình dung, nhưng nay đã khác nhiều lắm. Tại sao lại không làm vậy khi trí tuệ nhân tạo qua chiếc điện thoại thông minh đã đến với mọi người chúng ta? 

Với cách vận động qua mạng xã hội, qua tiếp xúc trực tuyến, tôi tin rằng, sự xa cách giữa cử tri và người được họ bầu sẽ được kéo gần lại. Qua đó, chúng ta sẽ càng có điều kiện để theo dõi, giám sát lời hứa của các "nghị viên" trước dân, nhất là thời điểm vận động tranh cử lúc này đã cận kề, mà chúng ta lại đang thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ phòng chống Covid-19 hạn chế tiếp xúc với nhiều cấp độ,  thì hình thức này rất hữu ích.

Về mặt luật pháp, vận động bầu cử qua mạng xã hội là việc được phép làm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) trả lời trên trang VOV.vn ngày 29/4, "trên thực tế, với sự phát triển và tác động hiệu quả của mạng xã hội, ngoài 2 kênh chính thống, theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người ứng cử còn có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, đặc biệt phải tuân thủ theo quy định của Luật An ninh mạng, tránh các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử quy định tại Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND".

Những hành vi bị cấm này, Tiến sĩ Nguyễn Hải Long nêu rõ: Cấm lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân; Cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Cấm lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Cấm sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Hành lang pháp lý đã tạo điều kiện cho các ứng cử viên. Song vẫn còn quá ít người sử dụng mạng xã hội để cử tri có thể thực sự hiểu về người mình sẽ bỏ phiếu. Chỉ có điều sử dụng thế nào để hiệu quả, đúng đắn, đương nhiên người vận động tranh cử cần phải có sự ủng hộ của các ngành các cấp  và có các biện pháp phát hiện, ngăn chặn những lối ứng xử thiếu văn hoá cũng như lệch lạc về quan điểm của một thiểu số người nào đó, khi văn hoá ứng xử trên mạng xã hội của chúng ta vẫn chưa được văn minh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem