Một chuyện Ấn Độ

Hoàng Minh Trí Thứ bảy, ngày 08/05/2021 09:23 AM (GMT+7)
Pháo đài Đỏ nằm ở trung tâm của Old Delhi (Delhi cũ) – trung tâm cổ xưa của thành phố Delhi, cách gọi để phân biệt với New Delhi (Delhi mới), thủ đô hiện đại của nước Cộng hòa Ấn Độ mà cả thế giới biết đến.
Bình luận 0

Bao quanh Pháo đài là một khung cảnh điển hình của Ấn Độ - một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. Người ta nhận ra rằng phim "Triệu phú khu ổ chuột" hoặc phim "Cọp trắng" không hoàn toàn là sự cường điệu. Những người lao động với bộ quần áo kaki cũ nhàu đi dép lê, những người ăn xin, các tiểu thương với mùi gia vị đặc trưng của xứ sở này, hàng vạn hàng vạn người – cùng với những chiếc xe bò đủng đỉnh đi lại -  tập trung trong một không gian đặc quánh quanh các tòa nhà rất cũ.

Bạn sẽ không thể tìm thấy ở đâu trên thế giới có mật độ người đi bộ đông hơn khu Old Delhi, và khó có ở đâu mà ở họ toát lên vẻ cơ hàn rõ hơn nơi này. Ở trước đền thờ Đạo Sikh trong khu Old Delhi, vào các bữa ăn, bạn sẽ nhìn thấy một hàng dài vô tận những người nghèo đang chờ được phát bữa ăn miễn phí. Lời khuyên đáng giá nhất: đừng tùy tiện chụp ảnh người ăn xin (nếu có làm hãy kín đáo). Sẽ có một đoàn những kẻ hung hãn, không rõ là kẻ chăn dắt hay người ăn xin khác, đuổi theo bạn để đòi tiền cho bức ảnh vừa chụp. 

Ở chính giữa nơi đó là Pháo đài Đỏ, một quần thể kiến trúc khổng lồ được xây bằng đá cát màu đỏ tươi. Nó được xây từ thế kỷ 17, và là biểu tượng của Old Delhi.

Chúng tôi bước vào Pháo đài sau khi khám phá khu Old Delhi, chen chúc trong hàng người dài chờ bữa ăn ở Đền thờ đạo Sikh. Anh Trần Quốc Nam – một nhà hoạt động vì người khuyết tật ở Hà Nội – đi qua cổng mua vé và bắt đầu trầm ngâm đi xung quanh, tìm kiếm một thứ gì đó trên mặt đất.

"Chỗ này có đường tiếp cận không ấy nhỉ?", anh lầm bầm. Và rồi anh tìm thấy. Ở ngoài cổng pháo đài đỏ, các nhà thiết kế Ấn Độ đã tạo ra một con dốc dài bằng gỗ, để cho xe lăn di chuyển. "Đường tiếp cận" là thuật ngữ chỉ hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật tiếp cận các công trình kiến trúc. Đó là lần đầu tiên trong đời người viết, ở tuổi gần 40, một thanh niên thành thị mà đa phần các thành viên gia đình đều là kiến trúc sư, biết đến thuật ngữ này.

Kể từ đó tôi thường xuyên để ý xem các công trình ở Việt Nam có đường tiếp cận không. Nếu so sánh Việt Nam với Bắc Âu, Nhật Bản hay Bắc Mỹ thì chẳng nói làm gì. Họ giàu hơn ta. Nhưng tôi không đừng được việc so sánh Việt Nam với Ấn Độ. Ấn Độ nghèo hơn ta theo nghĩa đen (GDP đầu người của họ chỉ bằng 70% Việt Nam); Ấn Độ đông dân hơn và có đủ thứ vấn đề an sinh cần quan tâm hơn; và cái khung cảnh đặc quánh của những con người đang xếp hàng chờ xin ăn quanh khu Old Delhi đơn giản là ám ảnh. Và họ có đường tiếp cận.

Một chuyện Ấn Độ  - Ảnh 2.

Rất ít nơi ở Việt Nam có đường tiếp cận. Ảnh: VOV.

Còn ở ta thì rất ít. Những công trình cũ từ thời Pháp không được cải tạo theo kiểu Pháo đài Đỏ, tất nhiên. Di tích thì chịu rồi, bậc tam cấp ở đây còn có xu hướng cao ngất như để tạo uy thế. Những công trình mới xây, vốn đường dành cho xe lăn là một loại quy chuẩn, tôi cũng không tài nào tìm được: chúng đã được các kiến trúc sư khôn khéo giấu đi đâu đó, cho ra cửa sau cùng với lối dành cho xe đẩy hàng, hoặc có kiến trúc sư thì nhớ cho một con dốc ở lối vào, những lúc sau, khi đến sảnh tòa nhà thì lại quên mất, làm luôn cái bậc cao gần chục xen ti mét (chắc là để cho đẹp). Tôi hình thành một thói quen đi dọc thủ đô, tất nhiên là sạch đẹp và hào nhoáng hơn thủ đô Ấn Độ bội phần, nhìn vào mặt tiền các công trình sang trọng và cầu kỳ, tìm đường tiếp cận.

Và tôi nhận ra: Đằng sau tất cả những sự cầu kỳ này, phản ánh vị thế của một nền kinh tế mới nổi, đằng sau nó vẫn là một sự thờ ơ. Không chỉ với những người khuyết tật vận động, mà với người khuyết tật nói chung. Sáu phần trăm dân số đang gặp khó khăn trong một nỗ lực cơ bản nhất, là tiếp cận với một cơ quan, trụ sở. 

Hãy lấy ví dụ, các ngân hàng, một dịch vụ quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Không nhiều ngân hàng có đường tiếp cận ở lối vào chính. Bạn bè tôi, những người đi xe lăn, than phiền không ngớt về điều này. Họ không thể ngừng cảm thấy tủi thân mỗi khi phải bước vào cửa những cơ quan này, để rồi ngay lập tức có một đám người phải chạy ra nâng nâng đỡ đỡ chiếc xe lăn qua các bậc tam cấp. Họ không muốn điều đó. Họ muốn tự di chuyển, và căm ghét việc gây chú ý, hay sự thương cảm nói chung.

Nhưng chưa hết. Tháng trước, tôi nhận một lá thư dài từ một người khiếm thị đang làm việc cho một tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Vấn đề với người khiếm thị còn trầm trọng hơn: Đó là ngay cả khi họ đã bước chân được vào các chi nhánh ngân hàng rồi, việc mở tài khoản, hay giao dịch nói chung cũng gần như bất khả thi. Hầu hết các chi nhánh đòi người khiếm thị phải có "người giám hộ" đi cùng. Họ viện ra đây là quy định nội bộ. Trả lời báo chí, đại diện các ngân hàng lớn tuyên bố rằng đây là để bảo vệ cho người khiếm thị khỏi các rủi ro trong giao dịch.

Nhưng "người giám hộ" thì lấy đâu ra ở thời buổi này, khi mà rất nhiều người khiếm thị cũng xa gia đình, lập nghiệp ở thành phố như mọi thanh niên khác. Công nghệ đã cho phép người khiếm thị đọc văn bản, nhận biết mệnh giá đồng tiền. Chữ ký có thể thay bằng chỉ tay. Rủi ro thì ai cũng có thể gặp và ngân hàng vẫn đang khẳng định họ đang nỗ lực hết sức để phòng tránh rủi ro hay tội phạm công nghệ cao (chẳng lẽ khi làm việc đó họ không thể tính tới người khiếm thị được?). Nói chung, người khiếm thị, cứ soi luật, được tham gia vào mọi hoạt động này và các ngân hàng có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ.

Đây là chuyện đã tranh cãi gần một thập niên, kể từ lần đầu tiên nó được đưa lên mặt báo, nhưng thái độ chung của ngân hàng, và nhiều người quan sát, vẫn là: thôi không làm là an toàn nhất. Đã không nhìn thấy rồi, chẳng may có chuyện gì lại quay ra ăn vạ ngân hàng. Thôi thôi.

Không làm thì tất nhiên không có gì xảy ra cả. Chẳng qua là tước bớt quyền của 1% dân số thôi, 99% còn lại được yên thân, tránh rắc rối.

Tước bớt quyền của 1% dân số này, các ngân hàng được yên thân. Tước bớt quyền của 1% dân số kia, các công trình kiến trúc được đẹp lung linh theo kiểu tân cổ điển. Cứ thế, hàng triệu người bị gạt ra lề của cuộc phát triển. Cứ thế, nơi nơi trở thành những Pháo đài băng giá dành cho người khuyết tật. Cuối năm ngoái, chúng tôi tổ chức một sự kiện hỗ trợ các nhóm yếu thế ở một "Trung tâm văn hóa" nổi tiếng giữa lòng thủ đô. Nhưng đến khi sự kiện diễn ra, chúng tôi mới nhận ra là cái Trung tâm văn hóa đó không có đường tiếp cận. Sự kiện hỗ trợ nhóm yếu thế mà xe lăn không thể ra vào thuận tiện, xấu hổ không  biết giấu mặt đi đâu.

Và ta nên tự hỏi với 6% (viết bằng chữ: sáu phần trăm) dân số là người khuyết tật, thái độ với người khuyết tật liệu có xứng đáng trở thành một chủ đề được đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong nhà trường?

Sở dĩ tôi muốn nói đến sách giáo khoa, vì có lẽ chúng ta chỉ nên trông chờ vào thế hệ sau. Bởi thái độ của xã hội đã hình thành rồi: câu chuyện người khuyết tật gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội, là câu chuyện của thái độ. Thái độ thôi, chứ không phải không có giải pháp. Giải pháp thì thế giới người ta đã tìm ra hết rồi, đến nước nghèo hơn ta còn áp dụng khắp nơi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem