VASEP: Doanh nghiệp ngừng hoạt động cả tháng nhưng vẫn phải đóng nhiều khoản phí, "sức ép" lên tới đỉnh điểm

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 04/09/2021 10:51 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà máy chế biến thủy sản đang phải chịu áp lực "đỉnh điểm", 70% nhà máy phải ngừng sản xuất, trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, 1% đoàn phí và 2% kinh phí công đoàn.
Bình luận 0

Đó là những chia sẻ về những khó khăn của các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cạnh dịch bệnh Covid-19, do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 4/9.

Theo ông Nam, từ cuối tháng 7 cho đến nay, TP. HCM và 18 tỉnh phía Nam áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, VASEP đã có 4 đợt khảo sát, và từ nay đến ngày 15/9 sẽ tăng cường khảo sát theo hình thức online, bởi vì các vấn đề "chuyển biến rất nhanh".

Tựu chung lại có 4 vấn đề gọi là "áp lực" cùng đến một lúc đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản. 

Thứ nhất về lao động, bởi vì phải giãn cách, thực hiện ưu tiên chống dịch cho nên vấn đề lao động của các nhà máy làm tập trung ít thì cũng vài trăm công nhân, các doanh nghiệp lớn lên tới 5.000 - 7.000 công nhân.

"Khi lượng vaccine không có được đầy đủ ngay, 70% các nhà máy phải ngừng sản xuất, 30% sản xuất theo 3 tại chỗ. Tuy nhiên, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ thì cũng chỉ huy động được 20 - 40% số công nhân, tùy theo điều kiện từng nhà máy", ông Nam nói.

VASEP: Doanh nghiệp ngừng hoạt động cả tháng nhưng vẫn phải đóng nhiều khoản phí, "sức ép" lên tới đỉnh điểm - Ảnh 1.

Hiện nay, ở Bến Tre giá tôm càng xanh giảm mạnh, còn giá tôm thẻ chân trắng giảm khoảng 30% so với thời điểm trước dịch. Ảnh: MN

Ông Nam cho hay, khi giảm người lao động, đồng nghĩa với việc giảm công suất, điều này dẫn đến doanh nghiệp không đủ lượng hàng để cung cấp cho khách hàng đã ký, bên cạnh đó cũng không thu mua được nguyên liệu do bà con nông dân và ngư dân cung cấp, dẫn đến giá giảm giai đoạn đầu tháng 8.

Hiện nay, một số tỉnh đã ưu tiên tiêm vaccine cho các lao động làm việc trong nhà máy chế biến thủy sản, điều này sẽ tăng cường thêm lực lượng lao động, công suất sẽ tăng lên. 

Mặt khác sẽ thu mua được thủy sản cho bà con, chính bởi vậy giá tôm đang nhích lên. Tính đến 1/9 các tỉnh làm tốt là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Khó khăn thứ 2, đó là khách hàng, hiện nay các doanh nghiệp đang chịu "sức ép" từ khách hàng. Khách hàng họ điều chỉnh lại nguồn cung là họ "giảm, cắt hoặc ép giá", bởi chi phí tổng của họ cũng tăng lên và chúng ta không đủ hàng để cung cấp như cam kết trước đó.

"Tuần này đang rất căng với khách hàng, khách hàng họp online thống nhất với doanh nghiệp bao giờ sản xuất trở lại, bao giờ cung cấp được hàng", ông Nam cho biết.

Thứ 3 về nguyên liệu và phụ liệu, mảng khai thác có chuyện các cảng có F0, ngừng hoặc tàu bè nằm lại cũng như nguyên phụ liệu cho lĩnh vực khai thác cũng hoàn toàn bị hỏng không chế biến được. 

Trong chế biến cũng vậy, các phụ liệu từ bao bì, ni lông, máy hút chân không, các nhà máy đều cần nơi cung cấp chính là TP. HCM. Tuy nhiên, do TP. HCM phong tỏa nên rất khó khăn cho vận chuyển.

Theo ông Nam, một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, đó là, người lao động nghỉ việc thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương "nghỉ việc". Người lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ thì phải có chỉ phí lớn hơn, VASEP đã tính toán trung bình lớn hơn 50%.

"Tổng lại chi phí hiện nay rất lớn tính theo đơn vị sản phẩm, trong khi sản phẩm thì rất ít".

Cuối tháng, doanh nghiệp phải đóng cho người lao động bảo hiểm xã hội (BHXH), 1% đoàn phí và 2% kinh phí công đoàn vẫn tính theo quỹ tiền lương vẫn phải nộp theo quy định. Trong khi doanh nghiệp đã ngừng sản xuất cả tháng, phải trang trải từ lãi ngân hàng, kho bãi, điện, lương công nhân.

"Tuần trước chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được phản hồi đã nhận được văn bản, còn khi nào có phương án hỗ trợ doanh nghiệp thì chưa biết. Còn về giá điện thì được ngành Công Thương giải quyết một phần.", ông Nam chia sẻ.

VASEP: Doanh nghiệp ngừng hoạt động cả tháng nhưng vẫn phải đóng nhiều khoản phí, "sức ép" lên tới đỉnh điểm - Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu không khôi phục sản xuất vào tháng 9 tới có thể dẫn đến hậu quả đứt gãy chuỗi, khiến ngành thủy sản không còn hoặc khó có cơ hội phục hồi. (Ảnh: CTV)

Ông Nam cho biết thêm, sang tuần tới VASEP cùng với các hiệp hội đang sử dụng nhiều lao động mà phải ngừng sản xuất sẽ có kiến nghị về phần BHXH. Hiện, BHXH tính tổng chung bằng 32,5% lương, "là một khoảng rất lớn, cuối tháng BHXH vẫn truy thu đầy đủ".

"Qua khảo sát của VASEP và ý kiến của doanh nghiệp thì thực sự thấy sang đầu tháng 9 áp lực đang ở mức báo động đỉnh điểm", ông Nam nói.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị VASEP phối hợp với Tổng Cục Thủy sản, ngành nông nghiệp các địa phương thống kế cụ thể số lượng lao động của 70% nhà máy chế biến phải ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Tiến yêu cầu VASEP cho biết, giá bán tôm hiện tại của nông dân là bao nhiêu, sản lượng tồn đọng trong ao chưa tiêu thụ được hoặc tiêu thụ khó khăn là bao nhiêu, từ đó, Bộ NNPTNT sẽ có phương án tháo gỡ khó khăn.

Cũng tại cuộc họp, ông Nam kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ người lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản đóng ở các tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vaccine để nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ "giúp" doanh nghiệp xây dựng và cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách "từng phần" hoặc "toàn phần" nhằm khôi phục sản xuất, để các tỉnh sẽ "phê duyệt" nhanh nhất, bởi chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2021.

Theo ông Nam, hiện, các doanh nghiệp vẫn đang rất "kêu", là vì nếu tiêm vaccine rồi nhưng không biết có được sản xuất tiếp hay không?.

"Nỗ lực tiêm vaccine nhưng không đồng nghĩa với chuyện cho sản xuất tiếp hay dừng sản xuất", ông Nam đặt câu hỏi

Cuối cùng, ông Nam kiến nghị Bộ, hỗ trợ tiêu thụ thủy sản nuôi, khai thác ở các chợ đầu mối, thành phố lớn để thúc đẩy người nuôi phục hồi sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem