Xuất khẩu tôm Việt Nam nằm trong top 3 thế giới

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, gây tác động bất lợi lớn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu, nhưng mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn vượt qua khó khăn này để ghi dấu ấn xuất khẩu vượt mong đợi.

Hiện tôm Việt Nam đang đứng top đầu tại hầu hết các thị trường, với kim ngạch vượt trội các quốc gia khác và đã trở thành mặt hàng tỷ đô của Việt Nam từ năm 2015 đến nay. Số doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của hàng loạt đơn hàng từ các thị trường khó tính ngày một tăng.

Ngành tôm và mục tiêu trở thành cường quốc sản xuất thủy sản top đầu thế giới - Ảnh 1.

Thành công trong xuất khẩu mặt hàng tôm liên tiếp mấy năm nay thực sự là "cú hích", tạo đà cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng sản lượng, giá trị trong những năm tới đây.

Từ năm 2014, Việt Nam luôn nằm trong top 3 nước xuất khẩu tôm của thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy, chiếm 15% thị phần xuất khẩu các sản phẩm tôm trên thế giới. Riêng phân khúc tôm chế biến, Việt Nam đứng đầu, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên thế giới.

Hiện tại, tôm Việt Nam xuất khẩu đến 100 thị trường, chủ yếu là châu Âu, Mỹ, đang hướng đến con số kim ngạch đạt 4,2 tỉ USD trong năm 2021.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 1.

Nguồn: undercurrentnews

Top 5 thị trường NK tôm của Việt Nam gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 81-85% tổng giá trị NK tôm trong 5 năm qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 6,14 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tôm Việt Nam chiếm 8,5% thị phần. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao thứ 2 sau Ecuador, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2020.  

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,56 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ thứ 4 cho Trung Quốc.

Tại thị trường EU, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 4 trong số các thị trường cung cấp ngoài khối của EU. Nhờ ưu đãi về thuế từ Hiệp định EVFTA, tôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với tôm của Ecuador, Ấn Độ, do đó nhập khẩu từ Việt Nam tăng cao hơn so với các thị trường cung cấp khác. Tuy nhiên, thị phần tôm Việt Nam mới chỉ chiếm 9% trong tổng nhập khẩu của EU.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 2.

Trong nửa đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 27,65% trong tổng trị giá nhập khẩu của Nhật Bản. Tại thị trường Nhật Bản, tôm của Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn với tôm của Ấn Độ và Ecuador khi 2 thị trường này đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Mối nguy và triển vọng ngành tôm

Theo "vua tôm" Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045 tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt khoảng 15 triệu tấn.

Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm khoảng 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng khoảng 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045

Tuy nhiên, tại Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021diễn ra hồi tháng 4/2021 tại Cần Thơ, “vua tôm” Lê Văn Quang cho biết, giá thành nuôi tôm của Việt Nam hiện cao hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia khoảng trên 30%. “Những năm vừa qua, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, nhưng giá thành vẫn không cạnh tranh được so với những quốc gia này”, ông nói.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 3.

Hàng giá trị gia tăng của Minh Phú trong năm 2020 chiếm hơn 36% tỷ trọng giá trị sản xuất. Nguồn Minh Phú

Ông cũng cho biết Minh Phú đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất thành công, tỷ lệ sống đạt trên 90%, thế nhưng, biên độ lợi nhuận rất hẹp do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với đối thủ.

Từ năm 2020 về trước, tuy giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước trên 30%, nhưng vẫn cạnh tranh được trong xuất khẩu, tức vẫn có hiệu quả là nhờ vào công nghệ chế biến tôm của doanh nghiệp Việt Nam hiện đại hơn so với các nước.

“Thế nhưng, lợi thế công nghệ đó sẽ dần mất đi vì Ecuador, Ấn Độ và Indonesia cũng đang đổi mới công nghệ và sản xuất được những mặt hàng giá trị gia tăng, hàng ăn liền như Việt Nam”, ông Quang nói.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 4.

Hàng giá trị gia tăng của CTCP Vĩnh Hoàn trong năm 2020 chiếm 2% tỷ trọng giá trị sản xuất. Nguồn Vĩnh Hoàn

Lương nhân công của Ấn Độ hiện chỉ khoảng 1/3 của Việt Nam. Theo đó, “với lợi thế của họ là giá thành nuôi tôm thấp, chi phí nhân công rẻ, trong khi công nghệ chế biến sắp đuổi kịp Việt Nam, cho nên, nếu chúng ta không có sự cải tiến, không có cách nhìn và tiếp cận mới, thì ngành tôm trong nước sẽ rất là khó khăn trong 3-5 năm tới”, ông Quang nhấn mạnh.

Được biết hàng giá trị gia tăng của Minh Phú trong năm 2020 chiếm hơn 36% tỷ trọng giá trị sản xuất. Trong khi đó, CTCP Vĩnh Hoàn của nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh, mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 2%.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 5.

Về giá tôm xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật bản 6 tháng đầu năm 2021 với các sản phẩm tôm thẻ thịt hấp, chế biến có giá giá trung bình từ 10,15 – 11,5 USD/kg; với tôm tẩm bột tempura giá trung bình từ 10,5 – 10,65 USD/kg; tôm thẻ đông lạnh (HS03061721) với giá trị với giá xuất khẩu trung bình từ 9,6 – 9,8 USD/kg. 

Trước đó, theo số liệu thống kê giá của Undercurrent News, cuối năm 2020, trung bình giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đã tiến gần sát mức giá tôm xuất khẩu của Quảng Đông (Trung Quốc) - loại tôm đắt nhất thế giới. Cụ thể, loại tôm 50 con/kg của Việt Nam tăng lên mức 144.000 đồng/kg, tương đương 6,23 USD/kg, trong khi đó, loại tôm 60 con/kg của Trung Quốc có giá 6,73 USD/kg. Như vậy, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam chỉ thấp hơn 0,5 USD/kg so với với giá tôm xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong khi đó, giá tôm loại 50 con/kg của Ấn Độ ở mức 5,15 USD, còn Indonesia có giá khoảng 4,9 USD/kg. Tôm nuôi của Ecuador loại 40-50 con/kg có giá 3,1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy hiện cả nước có hơn 200.000 hec-ta nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh ĐBSCL là Bạc Liêu và Sóc Trăng với khoảng 186.000 hec-ta.

Hai địa phương này được doanh nghiệp nước ngoài tập trung nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Năm 2021, toàn ngành đạt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 hec-ta, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỉ USD.

Với tốc độ tăng trưởng 7%/năm của ngành tôm thế giới, dự tính tới năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn. Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất, chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỉ USD vào năm 2045.

Ngành tôm và những mặt tích cực trong tương lai - Ảnh 6.