Về việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL, TS Lê Văn Bảnh: Cần ít nhất “10 ông Thòn”!

Thứ ba, ngày 18/03/2014 11:33 AM (GMT+7)
Như NTNN đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức cam kết sẽ dành 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ việc thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân 2013-2014 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0
Tuy nhiên, theo ý kiến của TS Lê Văn Bảnh (ảnh) - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đây chỉ là giải pháp tình thế...

 TS Lê Văn Bảnh (ảnh) - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL
TS Lê Văn Bảnh (ảnh) - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Trước khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất cho thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc này chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không giải quyết được căn cơ vấn đề. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Đúng là tạm trữ chỉ mang tính chất giải quyết tình thế trong thời điểm người nông dân đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được lúa gạo. Giải pháp này đôi khi cũng tỏ ra không phù hợp, bởi khi triển khai thu mua có thể người dân đã bán hết lúa, thậm chí đang xuống giống vụ mới, như thế thì người nông dân không được hưởng lợi.

Do đó, tại một cuộc họp do Thủ tướng chủ trì ở An Giang mới đây, nhiều ý kiến trong đó có tôi có nêu, để giải quyết căn cơ vấn đề này, chúng ta phải sửa Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo. Theo đó, thay vì chỉ quy định điều kiện các đầu mối tham gia XK gạo phải có nhà máy, kho tàng và tài chính, nay cần quy định thêm phải có vùng nguyên liệu.

Theo TS Lê Văn Bảnh, thu mua  tạm trữ lúa gạo chưa phải là giải pháp căn cơ để cứu  giá lúa trong nước.
Theo TS Lê Văn Bảnh, thu mua tạm trữ lúa gạo chưa phải là giải pháp căn cơ để cứu giá lúa trong nước.

Hiện chúng ta đang có 150 đầu mối tham gia XK, nếu chỉ cần 100 đầu mối xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích 5.000ha/đầu mối, thì chúng ta đã có một vùng nguyên liệu ổn định tới 500.000ha, tức khoảng 3 triệu tấn lúa rồi.

Khi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, thì có nghĩa là họ phải có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm ở vùng nguyên liệu đó và lúc đó sẽ không cần đến việc Chính phủ phải hỗ trợ thu mua tạm trữ như hiện nay nữa. Vấn đề này đã được chúng tôi đề cập trực tiếp và Thủ tướng đã đồng ý giao các bộ, ngành nghiên cứu sửa, song không hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy sửa.

Thực tế là các doanh nghiệp đầu mối tham gia XK gạo rất nhiều, trong đó hầu hết thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), song chưa có doanh nghiệp nào tự nguyện xây dựng vùng nguyên liệu. Trong khi đó mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần Thuốc BVTV An Giang (AGPPS) lại khá thành công. Vì sao chúng ta vẫn chưa nhân rộng được mô hình này?

- Mô hình cánh đồng mẫu lớn của ông Thòn (Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc AGPPS) đang rất thành công với quy mô 20.000-30.000ha và vừa rồi có được một ngân hàng của Anh cho vay 1.500 tỷ đồng để nhân rộng mô hình này.

Thế nhưng, nhiều lúc chúng tôi vẫn nói đùa, ở ĐBSCL phải có “10 ông Thòn”, chứ 1 ông Thòn làm không xuể. Phải khẳng định, cách làm của ông Thòn là rất hiệu quả, bằng chứng là ông đã làm được gạo theo tiêu chuẩn và xuất khẩu được 40.000-50.000 tấn gạo đảm bảo tới 593 chỉ tiêu sang một thị trường rất khó tính là Nhật Bản.

Theo tôi, về đúng nguyên tắc anh đã tham gia XK gạo là phải có vùng nguyên liệu lúa gạo, từ đó anh mới mở sàn giao dịch để chào bán sản phẩm của mình. Tôi thấy hiện mình XK rất bị động, cứ đợi xem phía Philippines họ chào hàng bao nhiêu rồi từ đó mới về thu mua, từ đó mới có chuyện chúng ta chào giá XK 390 USD/tấn, đến lúc Thái Lan chào 380 USD/tấn dẫn tới mất hợp đồng.

Sở dĩ gạo của chúng ta luôn luôn phải XK với giá thấp là do chất lượng gạo còn kém, trong khi chúng ta thừa khả năng sản xuất được gạo chất lượng cao. Vì sao chúng ta không tính tới vấn đề này, thưa ông?


"Cần phải có một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn và quan điểm của tôi là việc kinh doanh XK gạo phải do ngành công thương lo, đồng thời cần nhanh chóng quy định bắt buộc các DN XK gạo phải xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích tối thiểu 5.000ha/DN”.

TS Lê Văn Bảnh

- Đây đúng là một vấn đề nan giải. Sở dĩ chúng ta cứ loanh quanh sản xuất lúa chất lượng thấp IR 50404 mãi, theo tôi vẫn là do các doanh nghiệp bị động trong việc XK, họ cứ đi chào thầu trước, rồi mới về thu mua.

Chẳng hạn, để có được hợp đồng XK, họ chỉ chào được giá 400 USD/tấn (tương đương 8.000 đồng/kg gạo), sau đó họ về chỉ mua cho nông dân cùng lắm với giá 5.000 đồng/kg, trong khi đó các loại gạo bình thường ở chợ của chúng ta hiện đã là 12.000-15.000 đồng/kg, thậm chí gạo ngon còn lên đến 20.000 đồng/kg.

Tôi nói như thế để thấy rằng, chính do doanh nghiệp chào bán gạo với giá thấp nên đến khi về bắt buộc phải mua gạo chất lượng thấp theo kiểu thu gom, còn về phía nông dân để bán được lúa cũng phải trồng lúa chất lượng thấp, cụ thể ở đây là giống IR50404, đó là một cái vòng luẩn quẩn. Thành thử ra nhiều khi trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu hỏi, tại sao chúng ta mãi không làm được lúa chất lượng cao, ngon là như vậy.

Một giải pháp lâu dài đang được Bộ NNPTNT tích cực triển khai là chuyển bớt diện tích trồng lúa sang các cây trồng khác. Theo ông, với giải pháp này chúng ta có giải quyết được dứt điểm tình trạng được mùa- rớt giá mỗi khi vụ thu hoạch lúa ở ĐBSCL đến hay không?

- Hiện nay sản xuất cái gì cũng phải theo cơ chế thị trường theo hướng cái gì trên thế giới thừa, thì chúng ta giảm bớt, cái gì thiếu thì chúng ta định hướng sản xuất vào mặt hàng đó để làm cho phù hợp. Đó là chủ trương đúng, song để làm được ngay không phải là chuyện dễ.

Chúng ta cứ nói, cứ hô hào chuyển đổi, nhưng đã có quy hoạch chưa, xem vùng nào thì có thể chuyển sang trồng cây khác có được không. Quy hoạch ở đây là quy hoạch chi tiết chứ không phải chung chung, bởi chúng ta cần phải khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất ở từng vùng rồi từ đó mới công bố quy hoạch cho từng vùng.

Một vấn đề nữa là, hầu hết diện tích ở ĐBSCL đều chỉ thích hợp cho trồng lúa, nay nếu chuyển sang cây khác liệu có phù hợp. Mặt khác trồng lúa tuy ế còn có thể giữ, bảo quản trong kho được 3-4 tháng, còn nếu trồng rau màu đến lúc không tiêu thụ được thì sao?

Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện) (Lê Hân (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem