Vì đâu liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới hợp tác chống lại Trung Quốc?

21/06/2020 06:10 GMT+7
Khi căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đồng thời bị cuốn vào xung đột với liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới Five Eyes (Ngũ Nhãn).
Vì đâu liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới hợp tác chống lại Trung Quốc? - Ảnh 1.

Mỹ cầm đầu liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới mang tên Ngũ Nhãn chống lại Trung Quốc

Căng thẳng giữa Trung Quốc và liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) bao gồm 5 quốc gia Mỹ, Anh, Australia, Canada, New Zealand đã leo thang trong những tháng gần đây. Nguồn cơn xung đột không chỉ bắt nguồn từ mối quan hệ lục đục giữa Washington và Bắc Kinh, mà còn do hàng loạt mâu thuẫn trên mặt trận thương mại, công nghệ và ý thức hệ.

Bắc Kinh đã cáo buộc các thành viên trong liên minh Ngũ Nhãn bắt tay với Washington để chống lại Trung Quốc, nhất là khi Australia dẫn đầu kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc sự bùng phát dịch Covid-19 còn Canada thì giam giữ Giám đốc tài chính công ty viễn thông lớn nhất thế giới Huawei của Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 5, Bắc Kinh cũng giận dữ khi 4 Bộ trưởng Ngoại giao trong liên minh Ngũ nhãn là Anh, Australia, Canada và Mỹ cùng đưa ra tuyên bố chung về động thái áp đặt dự luật an ninh quốc gia mới với Hồng Kông. Quốc gia còn lại trong Ngũ Nhãn, New Zealand dù không tham gia vào tuyên bố chung nhưng cho biết họ chia sẻ những mối quan tâm sâu sắc của các quốc gia dân chủ khác (các đồng minh trong Ngũ Nhãn) về vấn đề này.

Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc sau đó đã cáo buộc Mỹ huy động các đồng minh trong liên minh Ngũ Nhãn để chỉ trích chính phủ Trung Quốc trong dự luật an ninh Hồng Kông.

Liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) được thành lập ngay sau Thế chiến II dựa trên thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Anh. Mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo được mở rộng với các đồng minh Canada, Australia và New Zealand năm 1955, thời điểm diễn ra cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Năm 2013, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden đã bất ngờ tiết lộ với giới truyền thông hàng loạt tài liệu mật về các chương trình giám sát toàn cầu do liên minh Ngũ Nhãn điều hành. Trong đó, Snowden miêu tả nhóm này là một tổ chức tình báo siêu quốc gia. Các thông tin rò rỉ cho thấy liên minh này ngầm thu thập và chia sẻ thông tin liên lạc của hàng triệu công dân, bao gồm cả những nhân vật chính trị hàng đầu như Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tờ SCMP cho hay khi Bắc Kinh bắt đầu bành trướng vai trò trên chính trường quốc tế, các quốc gia trong liên minh Ngũ Nhãn không chỉ chia sẻ thông tin tình báo mà còn hợp tác trong chiến lược chống lại Trung Quốc. Năm 2018, tờ Reuters đưa tin Ngũ Nhãn đã hợp tác với Đức và Nhật Bản để thành lập một liên minh mới chống Trung Quốc, bao gồm việc gia tăng tầm ảnh hưởng trong các quyết định quản lý và đầu tư. Hồi tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiết lộ đã tham gia đàm phán chính sách kinh tế với nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Five Eyes, qua đó cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên của liên minh Ngũ Nhãn.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đã kéo theo mâu thuẫn nóng lên giữa Bắc Kinh và liên minh Ngũ Nhãn do Mỹ dẫn đầu. Nhóm này ủng hộ lời kêu gọi của Australia về việc tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19 bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh. Đáp lại, Trung Quốc được cho là đã trả đũa Australia bằng cách hạn chế nhập khẩu lúa mạch và bò Úc, cảnh báo công dân hạn chế du lịch và du học Úc.

Canada, một thành viên khác của Ngũ Nhãn thì đang mắc kẹt trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc về vụ bắt giữ CFO Huawei Mạnh Vãn Châu, con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và là lá cờ tiên phong cho tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc. Huawei cũng là quân cờ quan trọng trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc suốt hơn 2 năm qua. Việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu do đó đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Chính phủ Tập Cận Bình sau đó đã bắt giữ hai người Canada như một động thái trả đũa và gây áp lực trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu.

Nhà tư tưởng người Anh Henry Jackson hồi cuối tháng 5 cảnh báo rằng 5 thành viên Ngũ Nhãn đang phụ thuộc vào nguồn cung 831 mặt hàng chiến lược từ Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm trong những ngành công nghiệp trọng điểm như năng lượng, công nghệ thông tin...

Sự phụ thuộc như vậy đang thúc giục Ngũ Nhãn tách rời, hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua tăng cường hợp tác với các quốc gia khác, những người chơi “biết luật” trên thị trường quốc tế. “Với cơ sở chia sẻ thông tin tình báo, khả năng hợp tác quân sự và lịch sử quan hệ lâu dài giữa 5 quốc gia, họ có thể mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực rộng lớn hơn, bởi họ chia sẻ sự tương đồng trong văn hóa tài chính và kinh tế” - ông Henry Jackson nhấn mạnh. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục