Vì sao cá tra xuất sang Trung Quốc đang tăng vọt lại đột ngột lao dốc?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), sau khi liên tục tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đột ngột lao dốc trong tháng 11 khi giảm 46%, chỉ đạt hơn 37 triệu USD.
Chính sách zero Covid với những hạn chế kéo dài đã khiến cho thị trường thuỷ sản Trung Quốc suy yếu. Nhu cầu thuỷ sản và giá thuỷ sản trên thị trường đều giảm.
Số liệu thống kê và thu thập tại 68 chợ đầu mối trên toàn quốc cho thấy trong tháng 9, doanh số bán hàng thủy sản giảm 19,6% so với tháng 9/2021, giá hải sản trung bình ở mức 3,41 USD/kg, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thủy sản nước ngọt giảm 6,3% xuống mức trung bình 2,64 USD/kg, trong khi khối lượng thủy sản nước ngọt bán ra giảm 16,5%, cho thấy tác động của việc phong tỏa do COVID của Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 636 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ. Trong khi xuất khẩu sang Hồng Kông đạt gần 38 triệu USD, tăng 46%.
Riêng sản phẩm cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 472 triệu USD, chiếm 74% giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 10/2022, nhập khẩu các sản phẩm cá phile đông lạnh mã HS 0304 của Việt Nam vào Trung Quốc đạt gần 500 triệu USD. Trong đó, riêng sản phẩm cá tra phile đông lạnh chiếm gần 89% với 444 triệu USD.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc qua 24 cảng/cửa khẩu của nước này. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Quảng Đông, chiếm 29-30%, Thiên Tân khoảng 12%, Sơn Đông 12%, Thượng Hải 11%. Tiếp đến là Trạm Giang 105, Bắc Kinh 9%, Phúc Kiến 8% và Quảng Tây, Hồ Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô…
Diễn biến thị trường Trung Quốc trong thời gian tới khó đoán và phụ thuộc đáng kể vào việc Trung Quốc có điều chỉnh chính sách kiểm soát zero Covid hay không và hướng điều chỉnh như thế nào. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thuỷ sản thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng vào sự ổn định của thị trường này vì đây vẫn là thị trường rộng lớn có nhu cầu tiêu thụ cao.
Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệpxuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, tính đến thời điểm này có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc.
Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gồm Công ty TNHH Đại Thành, Công ty CP Thủy sản Trường Giang, Công ty Cổ Phần Đầu tư Và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I, Công ty CP Chế biến và Xnhập khẩu Thủy sản Cadovimex II và Công ty Cổ phần Gò Đàng. Nhìn chung, các công ty này không chênh lệch nhau nhiều về doanh số, chiếm từ 6-7% giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc.
Xuất khẩu cá tra vẫn còn nhiều dư địa
Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, mặc dù thị trường thế giới có nhiều biến động, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu để phù hợp với nguồn thu nhập trong giai đoạn khó khăn, nhưng nhu cầu thủy sản vẫn được ưu tiên hơn nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep Pro cho biết, thị trường châu Âu vẫn còn rất nhiều dư địa cho cá tra Việt Nam. Điển hình tại thị trường Anh, dù thị trường Anh rơi vào khủng hoảng, nhưng thị trường này vẫn nhập khẩu gần 300 triệu USD thuỷ sản từ Việt Nam, cá tra chiếm 20% giá trị nhập khẩu này, tăng 3% so với cùng kì năm 2021. Trong số đó, cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu loài này, đạt trên 53 triệu USD, cá tra nguyên con đông lạnh chiếm gần 4% và cá tra chế biến chiếm trên 6%.
Lạm phát tại Anh liên tục tăng nóng kể từ đầu năm nay và tăng tới mức cao nhất trong 40 năm (10,1%) trong bối cảnh các hộ gia đình và các doanh nghiệp phải chống chọi với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trước thực tế đó, người tiêu dùng Anh sẽ nghiêng về các sản phẩm thực phẩm giá rẻ hơn; trong đó, các sản phẩm cá thịt trắng vẫn được ưa chuộng hơn cả.
So với các loài cá thị trắng, thì cá tra phile đông lạnh (mã HS 030462) nhập khẩu vào Anh có giá trung bình tăng ít hơn, tăng từ 6 - 19%. Việt Nam là nguồn cung cấp cá thịt trắng lớn thứ 5 trên thị trường Anh, chiếm khoảng 7,5% thị phần. Anh nhập khẩu chủ yếu các loại cá tuyết từ Na Uy, Iceland, Quần đảo Faroe và từ Trung Quốc – xưởng gia công, chế biến cá thịt trắng cho các nước Châu Âu, bà Lê Hằng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, nhà nhập khẩu cá tra Việt Nam từ châu Âu Nomad Foods cũng đã có kế hoạch tăng nguồn nhập khẩu cá tra đạt chứng chỉ ASC (chứng nhận nuôi thủy sản có trách nhiệm) trong năm 2023. và chứng nhận MSC (đánh bắt thủy sản bền vững). Theo kế hoạch này, các doanh nghiệp Vĩnh Hoàn và Gò Đàng đã tiến hành kia hợp đồng cung ứng cá tra cho thị trường châu Âu trong năm 2023.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, Vĩnh Hoàn tự hào là một phần trong chuỗi cung ứng cá tra có nguồn gốc bền vững được chứng nhận ASC của Nomad Foods vào các thị trường châu Âu. Sau nỗ lực trong nhiều năm, Vĩnh Hoàn cố gắng để phát triển nguồn protein lành mạnh này với chất lượng cao nhất, đảm bảo nó được chế biến có trách nhiệm và từ các trang trại tổng hợp và được công nhận.
Mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, lạm phát vẫn còn diễn biến mạnh mẽ, nhưng những dư địa thị trường đã mở ra tia hi vọng tiếp tục phát triển trong khó khăn của ngành cá tra. Trong những dư địa thị trường này còn có thị trường Trung Quốc, thị trường top đầu tiêu thụ cá tra nguyên liệu Việt Nam.