Vì sao các 'gã khổng lồ' ngân hàng Mỹ bơm 30 tỷ USD cho First Republic

Thứ sáu, ngày 17/03/2023 17:03 PM (GMT+7)
Ngân hàng First Republic, có trụ sở tại San Francisco, đang đối mặt với sự hoài nghi từ khách hàng trên toàn hệ thống, sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley và Signature.
Bình luận 0

Theo Wall Street Journal, ngân hàng First Republic (FRB) đã bị ảnh hưởng nặng nề trong tuần qua sau sự thất bại của hai ngân hàng khu vực lớn của Mỹ - Silicon Valley (SVB) và Signature (SB).

Đến ngày 16/3, cổ phiếu của First Republic và nhiều công ty tài chính khác đã tăng điểm sau khi có thông tin các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang thảo luận về việc cùng giải cứu FRB. Theo kế hoạch, 11 ngân hàng, gồm gã khổng lồ JPMorgan Chase, sẽ gửi 30 tỷ USD tại FRB.

Vì sao các 'gã khổng lồ' ngân hàng Mỹ bơm 30 tỷ USD cho First Republic - Ảnh 1.

Ngân hàng First Republic (FRB). Ảnh: Bloomberg.

Điều gì đã xảy ra với ngân hàng FRB?

First Republic là một trong những ngân hàng bị cuốn vào làn sóng hoài nghi sau thất bại của SVB Financial Corp. - công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley - hôm 10/3. Nhiều khách hàng đã rút tiền khỏi First Republic với lo ngại đây sẽ là tổ chức tài chính tiếp theo sụp đổ.

Nguyên nhân là First Republic có một số điểm tương đồng với ngân hàng Silicon Valley về quy mô, lượng khách hàng giàu có và cơ sở tiền gửi phần lớn không có bảo hiểm.

Cổ phiếu của First Republic - ngân hàng chủ yếu phục vụ khách hàng giàu có, bao gồm cả người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg - đã giảm khoảng 70% kể từ khi SVB sụp đổ.

Tại sao ngân hàng FRB cần tiền gửi?

Khoảng 70% tiền gửi tại ngân hàng First Republic không được bảo hiểm vì vượt quá giới hạn 250.000 USD của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Đây là số tiền tối đa mà người gửi có thể nhận được trong trường hợp ngân hàng sụp đổ.

Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình 55% với các ngân hàng tầm trung, đồng thời cao thứ ba sau ngân hàng Silicon Valley và Signature - cả hai có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm lần lượt là 97% và 90%, theo Quartz.

Sau vụ sụp đổ của SVB, những người gửi tiền không bảo hiểm trên toàn hệ thống đã cảnh giác hơn. Họ lo ngại FRB sẽ đối mặt với cảnh thiếu tiền mặt tương tự.

SVB thất bại vì hoạt động kinh doanh cốt lõi là cung cấp khoản vay cho các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp đang thua lỗ, tạo ra nhu cầu tiền mặt liên tục tại ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng này đầu tư rất nhiều vào trái phiếu dài hạn - sản phẩm đã giảm giá trị sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong năm qua. Điều đó có nghĩa SVB sẽ phải chịu thua lỗ nếu bán trái phiếu.

Khi SVB cố gắng huy động tiền mặt, những người gửi tiền của họ - phần lớn là khách hàng doanh nghiệp có tài khoản vượt quá giới hạn 250.000 USD của FDIC - đã ồ ạt rút tiền và tháo chạy sang các ngân hàng khác.

Kế hoạch giải cứu FRB sẽ diễn ra như thế nào?

Theo Wall Street Journal, JPMorgan Chase & Co., Citigroup Inc., Bank of America Corp. và Wells Fargo & Co. đang đàm phán gửi 5 tỷ USD mỗi bên tại FRB. Một số ngân hàng lớn khác cũng sẽ gửi số tiền nhỏ hơn, nhằm khôi phục niềm tin vào các ngân hàng khu vực.

Tình huống này gợi nhớ đến bi kịch trong hệ thống ngân hàng giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi JPMorgan đóng vai “hiệp sĩ trắng” mua lại Bear Stearns và Washington Mutual.

“Việc một nhóm ngân hàng lớn thể hiện sự hỗ trợ này rất đáng hoan nghênh. (Điều đó) cũng cho thấy khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng”, một nhóm nhà quản lý Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen dẫn đầu cho biết.

Liệu FRB có sụp đổ?

Mặc dù ngân hàng FRB và SVB có nhiều điểm tương đồng, bảng cân đối kế toán của họ cho thấy những câu chuyện rất khác.

“Ngân hàng First Republic có mức cho vay nhiều hơn gấp đôi so với SVB, nhưng rủi ro cho vay chưa đến 1/4 so với ngân hàng này", Gary Alexander, blogger tài chính tại Seeking Alpha, cho biết.

“Điều này có nghĩa FRB tập trung nhiều hơn vào các tài sản có thời hạn dài hơn mà không phải đối mặt với rủi ro lãi suất ngắn hạn và sự mất giá”, anh nhận định.

Các vấn đề của FRB đã được giải quyết?

Điều này vẫn chưa rõ ràng. Cổ phiếu của FRB tăng điểm vào chiều 16/3, nhưng đã chậm lại phần nào khi thị trường đóng cửa. Sự thay đổi này cho thấy thị trường vẫn còn hoài nghi rằng tâm lý của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng.

Các vấn đề khác trong ngành ngân hàng cũng chưa thể được giải quyết. Cổ phiếu của Credit Suisse Group Inc. tăng điểm tại Zurich, một ngày sau khi gã khổng lồ Thụy Sĩ thông báo vay 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia để tự xoa dịu khủng hoảng, nhưng không rõ tình trạng bất ổn lớn hơn ở châu Âu có được ngăn chặn.

Và các giám đốc điều hành hàng đầu của First Republic cũng đã bán hàng triệu USD cổ phiếu của ngân hàng trong hai tháng trước khi cổ phiếu FRB giảm mạnh. Rõ ràng điều này sẽ khiến nhiều khách hàng dè chừng, bất kể nỗ lực giải cứu ra sao.

 

Hải Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem