Vì sao các tỷ phú Trung Quốc bất ngờ hào phóng trong năm qua?
Chủ tịch kiêm nhà sáng lập hãng giao hàng thực phẩm khổng lồ Meituan Wang Xing gần đây đã quyên góp số cổ phiếu trị giá 2,7 tỷ USD cho tổ chức từ thiện nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giáo dục. Đáng chú ý, Wang Xing chỉ là một trong rất nhiều tỷ phú Trung Quốc đang tỏ ra hào phóng chưa từng có trong thời gian qua.
Hồi tháng 3, sau khi từ chức Chủ tịch hãng thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo, tỷ phú Colin Huang cũng quyên góp 1,85 tỷ USD cho một quỹ giáo dục. Đầu năm nay, nhà sáng lập He Xiangjian của đế chế thiết bị gia dụng Midea và Chủ tịch đế chế bất động sản Evergrande Xu Jiayin cũng quyên góp lần lượt 975 triệu USD và 370 triệu USD cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và giáo dục văn hóa.
Danh sách các tỷ phú Trung Quốc dốc hầu bao làm từ thiện còn bao gồm Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance - công ty mẹ TikTok với số tiền 77 triệu USD quyên góp cho quỹ giáo dục quê hương tại thị trấn Long Nham, tỉnh Phúc Kiến. Cựu vận động viên lặn Olympic nổi tiếng Guo Jingjing cũng quyên góp 10 triệu USD cho thành phố Vũ Hán, tâm chấn đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc hồi đầu năm ngoái.
Với 1.058 công dân là tỷ phú theo dữ liệu Hurun Global Rich List 2021 công bố vào đầu năm nay, Trung Quốc hiện là quốc gia có lượng người siêu giàu nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới bao gồm cả “pháo đài tư bản” là Mỹ.
Trong năm 2020, mặc dù Trung Quốc cũng như thế giới phải trải qua đợt bùng phát nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng thống kê cho thấy tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc đã bành trướng với một tốc độ chưa từng có. Cụ thể, các tỷ phú Trung Quốc ghi nhận giá trị tài sản ròng tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD trong năm qua, theo Bloomberg.
Sự gia tăng tài sản quá nóng của các tỷ phú có vẻ đang làm dấy lên mối quan ngại lớn của các quan chức Bắc Kinh về khoảng cách giàu nghèo. Đối với chính phủ Trung Quốc, bất bình đẳng giàu nghèo là một nguy cơ lớn với nền kinh tế cũng như toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, Bắc Kinh có vẻ đang ngầm thúc đẩy các tỷ phú hướng tới công tác từ thiện như vậy.
Các tỷ phú Trung Quốc, đặc biệt là những tỷ phú công nghệ đã bắt đầu rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh vào năm ngoái, khởi đầu là vụ việc của ông trùm Alibaba Jack Ma. Những nguy cơ bắt đầu ập đến vào tháng 11/2020, khi sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ đình chỉ đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của công ty con Ant Group trực thuộc Alibaba vào phút chót. Cuộc điều tra sau đó về hành vi độc quyền của Alibaba khiến cổ phiếu hãng này tụt mạnh 16%, đưa Alibaba vào cơn sóng gió, khiến tổng tài sản của nhà sáng lập Alibaba Jack Ma tụt mạnh hàng chục tỷ USD. Bản thân tỷ phú Jack Ma cũng gần như biến mất trước giới truyền thông và công chúng trong nhiều tháng trời.
Không riêng Alibaba, nhiều đại công ty công nghệ Trung Quốc khác như Tencent và mới đây nhất là hãng gọi xe Didi Global cũng lao đao vì các động thái siết chặt kiểm soát của Bắc Kinh.
Dễ thấy, Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ lập trường trong việc tung ra hàng loạt hành động nhằm kiềm chế sức mạnh đang tăng lên của các đế chế công nghệ. Cần nói thêm, công nghệ chính là lĩnh vực chứng kiến khối tài sản các tỷ phú tăng lên mạnh mẽ nhất trong đại dịch. Đó là một phần nguyên nhân vì sao số tỷ phú công nghệ của Trung Quốc quyên góp cho các hoạt động từ thiện chiếm đa số trong thời gian qua.
Việc khuyến khích doanh nhân mở hầu bao đóng góp cho xã hội đã được đưa ra trong kế hoạch 5 năm mới nhất mà Bắc Kinh phê duyệt hồi tháng 3. Trong đó nhấn mạnh sự ủng hộ các hành động ‘phúc lợi xã hội”, thúc đầy từ thiện như một công cụ phân phối của cải, hướng tới cải tổ hệ thống giáo dục cũng như đẩy nhanh việc ươm mầm nhân tài trên mọi lĩnh vực từ khoa học, công nghệ, nông nghiệp cho đến y học.