HSBC: "lò" tỷ phú Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới
Các nhà nghiên cứu HSBC ước tính số lượng tỷ phú có tài sản ròng từ 10 triệu Nhân dân tệ (1,55 triệu USD) trở lên sẽ tăng lên mức khoảng 5 triệu người vào năm 2025, tức hơn gấp đôi quy mô 2 triệu người hiện tại.
Tầng lớp trung lưu hiện có quy mô ít nhất 340 triệu người dự kiến tăng tăng hơn 45% lên 500 triệu người trong giai đoạn này.
Nhóm nghiên cứu của HSBC do nhà phân tích Qu Hongbin dẫn đầu nhận định: “Sự gia tăng quy mô tầng lớp trung lưu sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ hơn thông qua tăng nhu cầu trong nước, niềm tin đầu tư và chi tiêu chính phủ. “Tầng lớp trung lưu gia tăng cũng sẽ kích thích nhập khẩu hàng hóa dịch vụ, đồng thời tăng cường thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Theo các nhà kinh tế, sự thịnh vượng ngày càng tăng sẽ giúp Trung Quốc thoát bẫy thu nhập trung bình cũng như củng cố nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng chi tiêu tiêu dùng trong động lực tăng trưởng chung.
Tầng lớp trung lưu mở rộng với mức thu nhập tăng cao hơn có nghĩa là nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ có chất lượng sẽ tăng lên. “Không quá lời khi cho rằng tầng lớp trung lưu sẽ trở thành xương sống cho chiến lược lưu thông kép mà Trung Quốc đang theo đuổi”.
Cũng theo HSBC, tài sản hộ gia đình Trung Quốc có thể tăng 8,5% mỗi năm trong 5 năm tiếp theo, với quy mô tài sản đầu tư đạt 300 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào năm 2025, tương đương 300% tổng sản phẩm quốc nội GDP Trung Quốc năm 2020.
Tuy nhiên, khi đất nước ngày càng giàu có, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc cũng ngày càng mở rộng, HSBC cảnh báo. 1% hộ gia đình giàu nhất đất nước có thể nắm giữ tới 30% tổng tài sản quốc gia. Tức là chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn để giảm thiểu bất bình đẳng thu nhập, giúp người dân tiến nhanh vào tầng lớp trung lưu, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp.
Trước đó không lâu, một nhà kinh tế học nhận định dân Mỹ vẫn sẽ giàu có hơn Trung Quốc trong vòng nửa thế kỷ tới hoặc lâu hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Tôi nghĩ rằng khó có khả năng Trung Quốc đạt đến mức GDP bình quân đầu người của Mỹ - thước đo sự giàu có của chúng tôi - trong vòng ít nhất 50 năm tới” - nhận định của ông Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Economist Intelligence Unit trên tờ CNBC.
Ông Baptist đồng tình rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2032 sau khi nước này phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng đại dịch. Dự báo của ông Baptist tỏ ra thận trọng hơn nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế khác. Tháng trước, bà Helen Qiao, trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Bank of America Global Research nhận định rằng Trung Quốc sẽ sớm vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh vào khoảng năm 2027-2028.
GDP bình quân đầu người là thước đo sản lượng của một nền kinh tế trên bình quân dân số, và được đánh giá là thước đo chung cho sự thịnh vượng.
Dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ ra rằng GDP bình quân đầu người Trung Quốc năm 2020 ước tính khoảng 10.582,10 USD, nhỏ hơn gần 6 lần so với Mỹ là 63.051,40 USD.