Vì sao Đà Nẵng tiếp tục giảm chi dù tổng thu ngân sách tăng tới 18,9% so với cùng kỳ?
Ngày 6/7, tin từ Cục Thống kê TP.Đà Nẵng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.Đà Nẵng tính sơ bộ đến ngày 20/06 đạt 12.965 tỷ đồng tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu ngân sách trung ương đạt 3.666 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.299 tỷ đồng.
Trong tổng thu ngân sách nhà nước, hoạt động thu nội địa đã có những dấu hiệu tích cực tăng 19,1 % so với cùng kỳ năm 2021 tương ứng đạt 10.186 tỷ đồng. Trong khi khoản thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lần lượt tăng 17,7% và 4,4% so với cùng kỳ năm trước, thì khoản thu từ doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục giảm và giảm đến 13,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, theo đánh giá của Cục Thống kê Đà Nẵng, nhờ chủ trương thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022 thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng đạt 2.569 tỷ đồng. Với tỷ trọng chiếm gần 20% tổng thu ngân sách và đạt mức tăng trưởng cao, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đã phần nào bù đắp sự sụt giảm của các khoản thu nội địa khác.
Về tổng chi ngân sách nhà nước, Cục Thống kê TP.Đà Nẵng cho hay, tính sơ bộ đến 20/06 đạt 12.206 tỷ đồng, bằng 80,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng cao với 38,9% trên tổng chi ngân sách nhà nước đạt 4.743 tỷ đồng, bằng 63,8% so với cùng kỳ năm 2022 .
Bên cạnh đó, hoạt động chi thường xuyên đạt 7.461 tỷ đồng, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước trong đó chi cho sự nghiệp đảm bảo xã hội đạt mức tăng khá cao tăng 44 2%; chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình tăng 14,4%; chi sự nghiệp kinh tế tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022 ...
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn xác định, thời điểm này do ngân sách hạn hẹp, thành phố tiếp tục chủ trương rà soát, cắt giảm điều tiết giãn các nhiệm vụ chi chưa cần thiết để vừa hạn chế thâm hụt ngân sách, vừa bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tập trung thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển, khôi phục nền kinh tế.