Vì sao ĐBQH đề xuất nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt?

PVCT Thứ sáu, ngày 22/05/2020 10:34 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới, đó là Luật bảo vệ người làm việc tốt.
Bình luận 0

Sáng nay (22/5), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Phát biểu góp ý, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới, đó là Luật bảo vệ người làm việc tốt.

"Lý do xã hội được điều chỉnh bởi nhiều hành vi mà hình thức là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức. Do xã hội ngày càng phát triển và quy định pháp luật cũng ngày càng bao quát đến gần hết các hành vi của con người trong đời sống xã hội nên hành vi đạo đức dần bị thu hẹp.

Nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, vô cảm trước các nguy hiểm có thể xảy ra với người khác.Theo tôi, trong một phần ít trong số đó là những người không tốt còn lại thì những người không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, trách nhiệm về tâm lý, sợ bị hiểu nhầm.

Họ có thể giúp đỡ người khác không mong được trả ơn nhưng họ không làm bởi hành động của họ có rủi ro mà chưa được pháp luật bảo vệ. Bởi ngoài tự bảo vệ cho bản thân thì họ phải chăm lo cho gia đình", ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ.

Vì sao ĐBQH có đề xuất nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt. (ảnh quochoi.vn)

Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, pháp luật nếu chỉ quy định việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế. "Để phát huy hành vi đạo đức trong xã hội, tôi đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật bảo vệ người làm việc tốt mà nội dung chính là bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác, tinh thần. Miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí mà không đòi hỏi, kể công và cũng chống lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật", ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh nói.

Trước đó trình bày về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết:

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban có liên quan, đồng thời qua xem xét, cho ý kiến về nội dung các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:

Đưa ra khỏi Chương trình đối với 02 dự án, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.

Nếu dự án Luật trên chuẩn bị kịp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.

Dự luật được đưa ra khỏi chương trình nữa là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và trình đồng thời với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) nhằm bảo đảm thống nhất và chất lượng. Sau khi Chính phủ hoàn thiện dự án Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung để báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem