Vì sao ngân hàng lãi lớn dù doanh nghiệp 'ngấm đòn' Covid-19 -
Nhờ cắt chi phí, giảm phụ thuộc nguồn cho vay, ngân hàng vẫn tăng mạnh lãi nhưng gánh nặng cho các quý sau có thể là nợ xấu.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái "ngủ đông", sức chống chịu yếu ớt sau đại dịch khiến hệ thống ngân hàng có tiền nhưng vẫn "không cho vay được". Trong bối cảnh này, nghiệp vụ kinh doanh chính của một nhà băng là cho vay bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việc cơ cấu các khoản nợ bị tác động bởi dịch kèm theo nợ quá hạn tăng mạnh khiến ngân hàng không được hạch toán lãi dự thu. Kéo theo đó, lợi nhuận của một số ngân hàng như Vietcombank, ACB, Agribank... trong quý II tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngược chiều với dự đoán tiêu cực, lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng cao trong quý II - giai đoạn được đánh giá là nền kinh tế "ngấm" đòn mạnh của Covid-19 như VPBank (tăng 38%), HDBank (40%), Vietinbank (39%), TPBank (30%), VIB (27%).
Thực tế, tác động của Covid-19 tới lợi nhuận của nhiều nhà băng sẽ có độ trễ, đặc biệt với những đơn vị chưa chủ động tăng trích lập dự phòng cho vay.
Theo quy định của Thông tư 01, các khoản nợ được cơ cấu do ảnh hưởng của dịch sẽ được giữ nguyên nhóm nợ (chưa thành nợ xấu) với thời hạn tối đa 12 tháng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với hai quý đầu năm. Chưa xếp vào diện nợ xấu, nhưng nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày ở nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng hàng chục đến hàng trăm phần trăm.
Trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn, một số ngân hàng vẫn chưa chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho vay. Qua theo dõi của FiinGroup với lần khủng hoảng 2008, chi phí dự phòng của ngân hàng thường có độ trễ khoảng 4 quý. Vì thế, chi phí dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn được phẩn bổ vào các quý tới sẽ "bào mòn" lợi nhuận trong tương lai của nhiều ngân hàng,
Như với VPBank, dù thu nhập lãi thuần tăng rất thấp (chỉ 4%), lãi từ hoạt động phi tín dụng cũng giảm nhưng lợi nhuận trong quý II vẫn tăng mạnh tới gần 40%. Kết quả này một phần nhờ vào việc giảm tới 17% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong 6 tháng đầu năm, nhà băng này dùng phần lớn khoản dự phòng trích lập trong kỳ (hơn 6.430 tỷ đồng) để xoá nợ xấu hiện hữu. Đến hết tháng 6, số dư dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng khoảng 4.230 tỷ, tăng rất thấp so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vốn được xem là thước đo cho khả năng xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn (số dư dự phòng cho vay trên nợ xấu) của VPBank vẫn dưới 50%, thấp so với nhiều nhà băng như Vietcombank (250%), ACB (145%), Sacombank (70%)...
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc của Agribank lo rằng các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, "bào mòn" lợi nhuận của ngân hàng. Kết quả kinh doanh của hai quý đầu năm vì thế chưa thể hiện rõ mức độ ảnh hưởng của Covid-19 lên ngành ngân hàng, bà nói.
Một lý do khác giúp các ngân hàng chưa bị "ngấm" đòn Covid-19 còn là nhờ bán lẻ. Khi khó tìm đầu ra cho vay, một số nhà băng mạnh về mảng này vẫn có khả năng "miễn dịch" cao hơn.
Với 85% dư nợ là cho vay cá nhân, thu nhập từ hoạt động tín dụng của VIB vẫn tăng trưởng 24% trong quý II, lãi từ dịch vụ cũng tăng mạnh nên dù tăng các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Với thế mạnh của VIB là cho vay mua nhà và ôtô, Chủ tịch VIB, ông Đặng Khắc Vỹ cho rằng nhu cầu của các sản phẩm này ít bị ảnh hưởng. Đó là các nhu cầu thiết yếu – không phải sản phẩm xa xỉ nên ít bị tác động vì dịch bệnh, ông nhận định.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đều ra sức tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt từ bán chéo bảo hiểm. Việc thu hồi nợ xấu cũng được đẩy mạnh tuy gặp nhiều khó khăn.
Một trong các nhà băng có tốc độ tăng lãi thuần dịch vụ mạnh nhất trong quý II cũng chính là VIB. Lãi thuần từ dịch vụ của VIB tăng gần 50% (bằng 1/3 thu nhập lãi thuần trong khi các ngân hàng khác chỉ trên dưới chục phần trăm) nhờ thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm tăng 20%, thu dịch vụ thanh toán 70%.
Nhiều ngân viên ngân hàng than thở áp lực từ việc bán bảo hiểm ngày một lớn hơn với họ. Thông qua triển khai gói sản phẩm "tiết kiệm kèm bảo vệ sức khoẻ" để giới thiệu bảo hiểm nhân thọ hay bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ kèm theo khoản cho vay, chỉ tiêu bảo hiểm ngày đóng góp trọng số lớn tới việc đánh giá hoàn thành KPI.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng tăng cường đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn, điển hình nhất là TPBank. Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank cho biết không đầu tư nhiều vào trái phiếu bất động sản mà tập trung cho các doanh nghiệp ngành thiết yếu, FMCG hay các công ty có đủ tài sản đảm bảo, dự án hoàn trả được cả gốc lẫn lãi.
Ngoài ra, một trong những "giải pháp" quan trọng mà gần như toàn hệ thống ngân hàng áp dụng để cứu lợi nhuận là giảm mạnh chi phí hoạt động thông qua giảm chi cho nhân viên.
Phần lớn ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II đều mạnh tay giảm chi phí hoạt động với mức giảm hai chữ số, Vietcombank (-23%), VPBank (-16%), Sacombank (-14%), ACB (-8%)...
Tuỳ mức độ và tuỳ từng vị trí, nhiều nhà băng như BIDV, SHB, HDBank cũng giảm lương thưởng người lao động từ 10-30%, thậm chí nhiều hơn với lãnh đạo. Trong cuộc họp đại hội cổ đông, lãnh đạo của TPBank cũng tuyên bố không giảm lương nhân viên nhưng sẽ dừng tuyển mới, ngưng việc tăng lương và "làm đủ mọi cách để giảm giá vốn và các chi phí đồng thời gia tăng nguồn thu ngoài lãi để đảm bảo lợi nhuận".
Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quý II là nhờ cắt giảm chi phí và tìm nguồn thu mới. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh mà sẽ có độ trễ. Một khi các con số nợ xấu lộ rõ, khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ "ăn mòn" lợi nhuận của ngân hàng trong những quý tới.