Vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn?

Đình Việt Thứ tư, ngày 09/03/2022 12:04 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, liên tục các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước khiến dư luận hoang mang. PV Dân Việt đã trao đổi với chuyên gia để làm rõ nguyên nhân và giải pháp.
Bình luận 0

Liên tiếp xảy ra các vụ cướp ngân hàng tại Hà Nội

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp ngân hàng với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi và hành động của các đối tượng ngày một liều lĩnh. Bằng vũ khí nóng, tội phạm sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và tước đoạt mạng sống của người khác để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản.

Vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn? - Ảnh 1.

Hai nghi phạm bước vào Ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh để thực hiền vụ cướp hồi năm 2020. Ảnh: CACC

Ngày 29/7/2020, CATP Hà Nội bắt giữ hai đối tượng Phùng Hữu Mạnh (SN 1997, trú phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) và Hoàng Ngọc (SN 1978, trú phường Láng Hạ, quận Đống Đa) dùng súng cướp Ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh Hà Nội.

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Ngọc khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua khẩu súng colt xoay tự chế bắn đạn thể thao và một hộp có 50 viên đạn với giá 12 triệu đồng.

Trước đó, ngày 20/4/2020, đối tượng Trần Hữu Trung giả danh khách hàng đến chi nhánh Techcombank Sóc Sơn để giao dịch. Tại đây, Trung nổ súng uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp.

Tuy nhiên, một nhân viên đã kịp nhấn nút báo động, nên đối tượng chạy ra ngoài. Sau 6 ngày lẩn trốn, đối tượng đã đến Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội....

Hay mới đây nhất, khoảng 9h ngày 7/3, Nguyễn Văn Hiếu, 31 tuổi và Nguyễn Thanh Tùng, 41 tuổi xông vào phòng giao dịch VietinBank ở phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, dùng hung khí uy hiếp nhân viên.

Dọc đường ôm tiền bỏ chạy, chúng va chạm giao thông với người đi đường nên đánh rơi phần lớn tiền cùng một khẩu súng. Đến sáng 8/3, Hiếu và Tùng bị bắt.

Lý do xảy ra các vụ cướp là gì?

Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua xảy ra trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, so với các cơ quan tổ chức khác trong xã hội, ngân hàng là nơi chứa nhiều tiền nhất, đó là lý do khiến nhiều đối tượng cùng quẫn, coi thường pháp luật nảy lòng tham, muốn chiếm đoạt tiền.

Tuy nhiên, ngân hàng là nơi được kiểm soát nghiêm ngặt, có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, có hệ thống chuông báo động và lực lượng thường xuyên được tập huấn về đảm bảo an ninh nên việc các đối tượng tấn công vào ngân hàng để chiếm đoạt tài sản không dễ dàng.

Vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Nếu thực hiện hành vi dùng vũ lực uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp tài sản sẽ để lại rất nhiều dấu vết, chứng cứ để cơ quan chức năng có thể truy tìm, phát hiện bắt giữ đối tượng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội và nhiều địa phương khác nhau cho thấy vấn đề an ninh trật tự đang diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Cường, nguyên nhân là vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng người lao động, thường xuyên ăn chơi, cờ bạc dẫn đến nợ nần, thiếu tiền nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng để trang trải các khoản nợ.

Ngoài ra, nhiều đối tượng trẻ tuổi cũng ngây thơ khi xem các bộ phim hành động, các trò chơi game và tưởng rằng cướp ngân hàng là việc dễ dàng.

Bởi nhiều nguyên nhân thúc đẩy khác nhau (khó khăn kinh tế, về nhận thức và ý thức coi thường pháp luật) nên nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi cướp tài sản tại ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian gần đây cho thấy hệ thống an ninh, lực lượng bảo vệ ngân hàng ở một số nơi chưa tốt, lực lượng bảo vệ thiếu chuyên nghiệp, không có kỹ năng xử lý tình huống khi bị tấn công. 

Các đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ, thậm chí súng nhựa cũng đã khiến cho lực lượng bảo vệ ngân hàng tê liệt, để đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản rồi bỏ trốn.

Tiến sĩ Cường cho rằng, trong nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian gần đây thấy có lỗi của lực lượng bảo vệ khi không có phản ứng gì để tích cực, ngăn cản, gây khó khăn cho đối tượng khi thực hiện hành vi cướp tài sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cướp ngày càng xảy ra nhiều hơn.

Các đối tượng cướp tài sản tại ngân hàng nhanh chóng bị bắt giữ bởi thường các đối tượng "làm liều" chứ không phải là những băng cướp chuyên nghiệp. Những đối tượng đã để lại rất nhiều dấu vết, thông tin, hình ảnh tại hiện trường qua hệ thống camera giám sát, những người làm chứng và các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án.

Các vụ cướp ngân hàng táo tợn như vậy thường gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên việc vào cuộc của cơ quan điều tra sẽ quyết liệt hơn, triệt để hơn để nhanh chóng bắt giữ đối tượng.

Thực tế đối tượng cướp ngân hàng thường bị phát hiện và bắt giữ trong khoảng thời gian hai đến ba ngày.

Bộ Công an đưa ra các giải pháp để hạn chế cướp ngân hàng

Theo thông tin Dân Việt nắm được, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm xảy ra, Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, trong đó cần chú ý:

Hệ thống camera giám sát cần cả bố trí công khai và bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, video thu được phải chất lượng tốt, có màu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng.

Vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn? - Ảnh 5.

Cơ quan công an bắt giữ đối tượng cướp tại Phòng giao dịch ngân hàng BIDV tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày 5/3/2021.

Lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan Công an sở tại gần nhất và được bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt.

Xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy, bố trí trong và ngoài cửa đảm bảo nhân viên bảo vệ là người phát hiện ngay lập tức vụ cướp và có phương án đối phó.

Đặc biệt, chú ý cảnh giác trong những thời điểm ít khách giao dịch, có lưu lượng tiền lớn. Trang bị công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng để nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ và ngăn chặn các vụ cướp.

Tổ chức tập huấn cho nhân viên ngân hàng các kỹ năng cần thiết để sớm phát hiện, đối phó với các vụ cướp ngân hàng xảy ra. Thường xuyên cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng để phổ biến cho nhân viên, bảo vệ các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh.

Chú ý nâng cao tinh thần cảnh giác, điều chỉnh các quy định làm việc, tiếp khách, hạn chế các sơ hở để đối tượng cướp ngân hàng lợi dụng gây án. Yêu cầu khách đến giao dịch phải bỏ che mặt, mũ bảo hiểm, bố trí khu vực ngồi chờ riêng với khu vực giao dịch. Dán thông báo để nâng cao tinh thần cảnh giác cho khách hàng và răn đe các đối tượng.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa trong quá trình vận chuyển tiền của ngân hàng như: cẩn trọng trong bố trí thời gian, cung đường di chuyển, phương tiện chuyên dụng, phương án bảo vệ và cách xử lý khi gặp các tình huống bất ngờ khi vận chuyển tiền trên đường hoặc khi chuyển tiền từ phương tiện xuống các địa điểm giao dịch, bốt ATM…

"Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Kịp thời phát hiện các hội nhóm thiếu lành mạnh, có tính chất lôi kéo, kích động thực hiện hành vi phạm tội. Khi những người có suy nghĩ tiêu cực, nhận thức hạn chế hội tụ với nhau thì dễ nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực" - Tiến sĩ Cường nêu giải pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem