Vì sao Tổng thống Trump bất ngờ cắt ngân sách tài trợ cho WHO?

15/04/2020 09:30 GMT+7
Tổng thống Donald Trump hôm 14/4 tuyên bố sẽ ngừng cấp ngân sách tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO sau những phản ứng sai lầm của cơ quan này với đại dịch Covid-19 khiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng và lan rộng ra toàn cầu.
Nghi ngờ giấu dịch, Tổng thống Trump tuyên bố cắt ngân sách tài trợ cho WHO - Ảnh 1.

Tổng thống Trump nghi ngờ WHO che giấu thông tin dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới bùng phát

“Hôm nay, tôi đã chỉ đạo chính quyền tạm dừng cấp ngân sách tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO sau khi thực hiện một cuộc đánh giá làm rõ vai trò của WHO trong việc che đậy sự lây lan của virus corona, khiến các chính phủ thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó với dịch bệnh” - ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.

Trump cũng đồng thời chỉ trích cách phản ứng với sự bùng phát dịch Covid-19 của WHO, rằng một trong những quyết định nguy hiểm và tai hại nhất của cơ quan này là phản đối khuyến cáo hạn chế đi lại từ Trung Quốc mà Trump đã sớm áp đặt ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. Chính sự mù mờ thông tin này đã khiến nhiều quốc gia có phản ứng sai lệch, qua đó lãng phí khoảng thời gian quý báu khiến cho đại dịch bùng phát nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề.

“Thật may mắn là tôi đã không bị WHO thuyết phục và vẫn giữ nguyên quyết định cấm du khách nhập cảnh từ Trung Quốc, qua đó cứu rất nhiều người Mỹ khỏi mối đe dọa nguy hiểm tính mạng”.

Ông Trump nhấn mạnh rằng mỗi năm, Mỹ tài trợ ngân sách cho WHO từ 400-500 triệu USD, gấp hơn 10 lần các khoản tài trợ ước tính trị giá khoảng gần 40 triệu USD từ Trung Quốc. “Qua sự bùng phát đại dịch Covid-19, tôi quan ngại sâu sắc rằng liệu khoản tài trợ hào phóng của Mỹ có được sử dụng một cách hiệu quả hay không”.

Tổng thống Trump hiện không đề cập cụ thể cơ chế mà ông sắp sử dụng để từ chối cấp tài trợ cho WHO, mà phần lớn trong số đó được cấp bởi Quốc hội. Hiện Tổng thống không có quyền đơn phương chuyển hướng các khoản tài trợ của Quốc hội. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Trump có thể sử dụng Đạo luật Kiểm soát Ngăn chặn 1974 để giữ lại các khoản tài trợ của Quốc hội, nhưng với điều kiện phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận trong vòng 45 ngày.

Trả lời câu hỏi của giới truyền thông rằng vì sao chính quyền Trump chọn cách ngừng cấp các khoản tài trợ, Tổng thống Trump cho biết Mỹ từ lâu đã nghi ngờ năng lực và sự minh bạch của WHO trong những năm qua, và rằng Mỹ đáng lẽ nên thực hiện điều này từ lâu trước khi đại dịch xảy ra. Ông Trump cho biết chính quyền sẽ tiến hành một cuộc điều tra triệt để trong vòng 60-90 ngày xem liệu WHO có thiên vị Trung Quốc và bao che sự bùng phát đại dịch Covid-19 hay không. 

WHO hiện chưa bình luận về việc bị rút tài trợ.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến tối 14/4, toàn thế giới có khoảng hơn 1,9 triệu ca nhiễm Covid-19 và 125.678 ca tử vong. Trong đó, Mỹ chiếm tới 598.000 ca nhiễm và 26.000 ca tử vong, hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới. 

WHO đã cảnh báo dịch bệnh gây ra bởi virus corona là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hôm 30/1, thời điểm thế giới xác nhận 8.200 ca nhiễm tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến 11/3, khi số ca nhiễm tăng lên 121.000 trường hợp trên toàn cầu, WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. 2 ngày sau đó, hôm 13/3, Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trong cơn bão chỉ trích WHO từ chính quyền Trump, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut ông Chris Murphy, quan chức thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lại cho rằng mục tiêu lớn nhất của Trump trong cuộc chiến ngôn luận với Trung Quốc cũng như hành động chống lại WHO là để chối bỏ những sai lầm của chính Nhà Trắng khi đối phó với đại dịch. Ông Murphy cho rằng Nhà Trắng đang “tìm kiếm vật tế thần để che lấp những sai lầm nghiêm trọng của Tổng thống Trump trong giai đoạn đầu đại dịch bùng phát”. Trong những tuần đầu tiên khi Trung Quốc phong tỏa quốc gia, Trump thường xuyên ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh và tuyên bố Mỹ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục