VICEM nộp thuế 0 đồng

19/03/2021 15:36 GMT+7
Tại thời điểm 31/12/2020, vốn góp chủ sở hữu của VICEM lên tới 15.318 tỷ đồng nhưng đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù không thua lỗ nhưng công ty mẹ VICEM có chi phí thuế thu nhập hiện hành là 0 đồng.

Nộp thuế 0 đồng

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, nhưng tình hình tài chính lại đang cho thấy dấu hiệu không mấy tốt đẹp.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2/2020 của VICEM, trong 6 tháng đầu năm, VICEM chứng kiến doanh thu giảm nhẹ từ 125 tỷ đồng xuống 117 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại VICEM giảm sâu từ 561 tỷ đồng xuống chỉ còn 314 tỷ đồng.

Đáng lưu ý chính là chi phí thuế thu nhập hiện hành tại công ty mẹ VICEM trong cả quý II/2019, quý II/2020 và 6 tháng đầu của cả năm này đều là 0 đồng.

VICEM nộp thuế 0 đồng - Ảnh 1.

Trụ sở VICEM

Tại thời điểm 31/12/2020, vốn góp chủ sở hữu của VICEM lên tới 15.318 tỷ đồng nhưng đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù không thua lỗ nhưng công ty mẹ VICEM có chi phí thuế thu nhập hiện hành là 0 đồng.

Trên tờ VTCNews, VICEM đã giải thích cho “hiện tượng lạ này”. Theo đó, VICEM cho biết tại ngày 30/6/2020, Tổng công ty có các khoản thua lỗ tính thuế là 1.582 tỷ đồng có thể được sử dụng để khấu trừ vào lợi nhuận trong tương lai. Do đó, không phát sinh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2020.

"Không có tài sản thuế thu nhập hoãn lại nào được ghi nhận cho khoản lỗ còn lại vì Tổng công ty không chắc chắn về khoản lợi nhuận trong tương lai", báo cáo VICEM nêu.

Dòng tiền âm cũng đang là vấn đề của VICEM. Tại thời điểm cuối quý II/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ VICEM là âm 109 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 64 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động đầu tư cũng khiến VICEM âm nặng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại VICEM là âm 341 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước là 139 tỷ đồng. Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của các đơn vị khác tăng mạnh từ 794 tỷ đồng lên 1.065 tỷ đồng.

Con số này quá lớn nên dù trong nửa đầu năm 2020, VICEM thu được 210 tỷ đồng từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia, thu 515 tỷ đồng từ thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của các đơn vị khác nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại VICEM vẫn là con số âm.

Nghìn tỷ cho các công ty con vay

Tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của các đơn vị khác là nguyên nhân chính khiến VICEM âm nặng chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư. Tình trạng này xảy ra khi VICEM ôm cả ngàn tỷ cho vay.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, chỉ tiêu phải thu về cho vay ngắn hạn tại VICEM lên đến 1.883 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ của Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp (VICEM Tam Điệp) tại Vicem lên đến 590 tỷ đồng. Trước đó, con số này còn là 700 tỷ đồng.

Điều đáng nói, Vicem Tam Điệp là đơn vị kinh doanh bết bát. Tình hình tại VICEM Tam Điệp không được tiết lộ cụ thể nhưng tại thời điểm cuối quý II/2020, VICEM đã phải dành 1.029 tỷ đồng để dự phòng cho khoản đầu tư tại VICEM Tam Điệp. Con số dự phòng gần bằng giá gốc (1.132 tỷ đồng).

Công ty TNHH MTV Xi măng VICEM Hải Phòng phải trả Vicem 120 tỷ đồng. Cũng giống như VICEM Tam Điệp, VICEM Hải Phòng đã khiến VICEM phải chi 139 tỷ đồng dự phòng cho khoản đầu tư 1.021 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long khiến VICEM phải trích lập dự phòng nhiều nhất. Con số này lên đến 1.606 tỷ đồng, đúng bằng giá gốc. Không chỉ có vậy, VICEM có khoản phải thu ngắn hạn lên đến 250 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay. Đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết tại thời điểm ngày 31/12/2019, công ty mẹ có số dư nợ phải thu là 2.242 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Xi măng Tam Điệp vay 700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long vay 100 tỷ đồng và Sông Thao vay 288 tỷ đồng. Do các công ty này có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính khó khăn nên các khoản cho vay khó có khả năng thu hồi hoặc thu hồi chậm.

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đề nghị Vicem có biện pháp kiểm soát, thu hồi các khoản nợ cho các công ty con vay như Cty Xi măng Tam Điệp, Hạ Long và Sông Thao. Đồng thời, đánh giá các khoản đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư và có phương án xử lý đối với các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng, Vicem không được để tình trạng có sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chia cổ tức thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Vicem chỉ đạo người đại diện tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết biểu quyết tăng tỷ lệ chia cổ tức hàng năm để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn (đặc biệt tại các công ty liên doanh nước ngoài).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát VICEM trong việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả đầu tư, rà soát việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính của VICEM đảm bảo theo đúng chế độ quy định.

"Bộ Xây dựng cần khẩn trương phê duyệt lại phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất của VICEM và thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ - VICEM theo đúng kế hoạch, chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của công ty mẹ - Vicem tại thời điểm ngày 31/12/2019 trong trường hợp kế hoạch cổ phần hóa VICEM có sự thay đổi", Bộ Tài chính đề nghị.

A.Vũ
Cùng chuyên mục