Việt Nam: GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5-2%?

21/09/2023 06:37 GMT+7
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, sân bay Long Thành được xác định mục tiêu trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn của khu vực và quốc tế, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026.

Tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 do Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề "Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả hơn" diễn ra trong 3 ngày (19 - 21/9), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng tầm quan trọng và dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển an toàn và bền vững của ngành hàng không.

"Việc này nhằm phục vụ các mục tiêu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy giao thương và giao lưu nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tăng cường kết nối Việt Nam với thế giới", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn của quốc tế - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Ảnh: VNA

Cụ thể, trong hơn 15 năm trở lại đây, sự tăng trưởng của hàng không luôn gắn chặt với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam, tức là GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5-2%.

Từ năm 2009 tới năm 2019, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc như tăng trưởng về hành khách đạt trên 17%, về hàng hóa đạt gần 14%. Sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hóa.

Trong năm 2023, ngành hàng không tiếp tục có những bước phục hồi và tăng trưởng tích cực. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều hãng hàng không thế giới đã quay trở lại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ về sự phát triển của ngành hàng không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngành hàng không cũng đã gặt hái được những kết quả tích cực trong lĩnh vực an toàn và khai thác, mà nổi bật là 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không thương mại trong bối cảnh ngành hàng không liên tục tăng trưởng hai con số trong nhiều năm.

"Hàng không đạt Chứng nhận của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và đạt chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không FAA CAT 1. Các hãng hàng không Việt Nam đều được Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế đánh giá cấp Chứng nhận an toàn khai thác", Bộ trưởng Thắng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Thắng, có được kết quả nêu trên là nhờ vào Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp đã cũng nỗ lực triển khai toàn diện nhiều giải pháp trong nhiều năm.

Về hệ thống pháp lý, trên cơ sở quy định và hướng dẫn của ICAO, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, toàn diện về an toàn hàng không. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam từ năm 2006 cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá việc thực hiện luật này để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế. 

ề quy trình tổ chức giám sát an toàn bay, ngành hàng không Việt Nam đã từng bước thiết lập và triển khai hệ thống quản lý an toàn mới để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của nhà chức trách hàng không, cũng như khả năng đảm bảo an toàn hàng không của các đơn vị trong ngành.

Tất cả hãng hàng không, sân bay, doanh nghiệp hàng không Việt Nam đều trang bị hệ thống quản lý an toàn mới, cùng nhiều giải pháp giám sát an toàn hàng không tiên tiến khác như hệ thống giám sát an toàn liên tục, chủ động, dựa trên rủi ro.

Đặc biệt, văn hóa an toàn là nội dung trọng tâm được ngành hàng không Việt Nam chú trọng trên toàn hệ thống và tới từng nhân viên.

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, quy trình, tiêu chuẩn và hệ thống quản lý an toàn, Việt Nam đã và đang đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp nâng cao năng lực khai thác hàng không. Chính phủ Việt Nam đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn của quốc tế - Ảnh 2.

Mô phỏng nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Theo quy hoạch, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại Hà Nội và TP.HCM, hình thành 30 cảng hàng không, sân bay. Trong đó, Cảng HKQT, sân bay Long Thành được xác định mục tiêu trở thành cảng hàng không trung chuyển lớn của khu vực và quốc tế, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được chú trọng ứng dụng các công nghệ mới như quản trị cơ sở dữ liệu nhận dạng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó, đảm bảo tầm phủ thông tin liên lạc và giám sát trên toàn bộ vùng trời lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam được giao quản lý.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam dành ưu tiên cho công tác huấn luyện, đào tạo nhân viên thực hiện chức năng giám sát an toàn hàng không; Đối thoại, trao đổi và phổ biến các thông tin an toàn hàng không cả trong nội bộ và với các đối tác bên ngoài. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để thúc đẩy an toàn hàng không.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng chỉ rõ: Ngành hàng không toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, biến động và rủi ro trên toàn cầu, như kinh tế suy giảm, giá nhiên liệu tăng, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu...

Ngành hàng không Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh: "Chúng tôi đang phải đối mặt với bốn áp lực lớn nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro".

"Đây là những thách thức mà chúng tôi phải vượt qua để phát triển hàng không bền vững, mang đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất, cũng như hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam là một điểm trung chuyển hàng không tầm cỡ khu vực và quốc tế", Bộ trưởng Thắng nêu rõ về thách thức.


Thế Anh
Cùng chuyên mục