Việt Nam nhập khẩu 70.000 tấn gạo từ Ấn Độ: Chuyện bình thường trong xu thế hội nhập
Nhập khẩu gạo là bình thường
Những ngày qua, thông tin Việt Nam nhập khẩu 70.000 tấn gạo từ Ấn Độ đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành Lương thực Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng giao tháng 1 và tháng 2.2021, với giá khoảng 310 USD/tấn, theo phương thức giao hàng tự do (FOB). Đây là lần đầu tiên gạo Ấn Độ xuất sang Việt Nam. Thông tin này đã tạo nên sự lo lắng về tình trạng Việt Nam đang thiếu gạo.
Trao đổi với PV Lao Động trưa 7.1, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NNPTNT) khẳng định: "Việt Nam không thiếu gạo. Năm 2020 đã thu hoạch được 42,7 triệu tấn thóc, trong khi đó xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo và trong tháng 1.2021 sẽ thu hoạch khoảng trên 1,2 triệu tấn thóc từ vụ đông xuân sớm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và kế hoạch sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 và cả năm 2021 diễn ra bình thường".
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - một "lão tướng" trong lĩnh vực xuất khẩu gạo chất lượng cao cũng khẳng định với PV Lao Động: "Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ thì cũng như doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu gạo của Việt Nam, đó là chuyện bình thường trong xu thế hội nhập hiện nay. Hơn nữa nhu cầu sử dụng gạo 100% tấm của Việt Nam đang cần trong khi nguồn này trong nước rất ít nếu và nếu có thì giá cũng rất cao. Do vậy, đây là chuyện bình thường trên thương trường".
Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - cũng cho rằng, việc nhập khẩu gạo của Ấn Độ là hoàn toàn bình thường trong giao dịch thương mại.
"Đúng là lần đầu tiên trong năm nay các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nhưng chủ yếu là nhập tấm về chế biến bún, bánh, thức ăn gia súc hoặc làm bia" - ông Nguyễn Quang Hòa cho biết, đồng thời phân tích thêm: Năm nay các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập tấm từ Ấn Độ là bởi trong vài năm trở lại đây, Việt Nam chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng trung bình như IR40404, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao nên phân khúc gạo, tấm phục vụ chế biến đang thiếu.
Còn theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu với nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, việc các nước nhập khẩu các sản phẩm của nhau là hết sức bình thường. Một đất nước hàng đầu về lúa gạo cũng có thể nhập khẩu gạo của nước khác và ngược lại, không thể có chuyện "ngăn sông cấm chợ", "bế quan toả cảng" được. Hơn nữa, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ tự biết tính bài toán kinh tế, vì họ doanh nghiệp sẽ không nhập khẩu gạo nếu không tiêu thụ được, điều này đánh ngay vào "túi tiền" của các doanh nhân nên tự các doanh nghiệp sẽ cân nhắc trong bài toán xuất nhập khẩu.
Thu hẹp diện tích không làm thiếu gạo
Thực tế là từ năm 2016 đến nay, ngành NNPTNT đang tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó mô hình trồng lúa đang thu hẹp bớt tại ĐBSCL, mô hình tôm - cây ăn trái - lúa đang được thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh trồng lúa chất lượng cao để phục vụ xu thế tiêu dùng hiện nay không chỉ cho xuất khẩu, mà cả nhu cầu trong nước cũng đang hướng đến gạo thơm nhiều hơn.
Bộ NNPTNT cũng cho biết, mặc dù một số địa phương bị xâm nhập mặn sâu và kỷ lục, độ mặn cao buộc phải thu hẹp bớt điện tích hoặc gieo cấy muộn, nhưng năng suất vẫn đảm bảo, nên không có chuyện thiếu hụt lượng gạo. Điều này được minh chứng cụ thể bằng 42,7 triệu tấn lúa thu hoạch được trong năm 2020 - là năm kỷ lục về hạn mặn tại ĐBSCL và hạn hán khốc liệt tại miền Trung.
Giáo sư-Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết, mấy năm gần đây, Việt Nam chủ trương giảm diện tích lúa chất lượng trung bình như IR50404, chuyển sang tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao nên phân khúc gạo, tấm phục vụ phân khúc tương ứng đang thiếu. Nếu như thời điểm bùng phát dịch COVID-19 hồi tháng 2, tháng 3, giá lúa IR50404 chỉ khoảng 4.200đ/kg thì bây giờ đã tăng đến gần 7.000đ/kg. Đây là loại lúa dễ trồng nhất, cho năng suất cao nhất, một số quốc giá rất thích mua loại lúa gạo này để về chế biến bột, bún, hủ tíu…
Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, dự báo về thị trường năm 2021, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của nước ta với mức giá rất khả quan.
Cảnh giác việc gạo nhập khẩu bị "phù phép" thành gạo Việt
"Nền lúa gạo Việt Nam đang xuất hiện tình trạng gian thương - khi một số doanh nghiệp lợi dụng giá thấp đã nhập khẩu gạo từ nước ngoài về để chế biến, sau đó thì phù phép thành gạo Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam vốn là một quốc gia xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu của thế giới. Việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ lần này cũng không loại trừ khả năng đó, cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ" - Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại lập kỷ lục mới
Trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới lại tăng khoảng 7USD/tấn, nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất từ 500-505 USD/tấn, là mức cao kỷ lục trong 9 năm gần đây.
Giá lúa gạo trong nước tăng cao
Hiện giá lúa gạo ở ĐBSCL đang tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa Jasmine 6.800 đồng/kg; lúa IR50404 ở mức 6.950 đồng/kg; Đài thơm 8 7.200 đồng/kg; OM 5451 7.000 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 7.000 đồng/kg; OM 9582 7.000 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.400 - 6.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang ở mức 5.800 đồng/kg; OM 6976 ở mức 7.000 đồng/kg… Riêng đối với gạo nguyên liệu NL IR50404 ở mức 9.850 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 10.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 10.250 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu TP IR50404 ở mức 11.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Kh.V