Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 thu 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao

K.Nguyên Thứ năm, ngày 29/09/2022 18:38 PM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD.
Bình luận 0

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 16,83 tỷ USD, tăng 7,5%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,53 tỷ USD, tăng 38%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 13,26 tỷ USD, tăng 10,8%.

Kết quả trên khẳng định nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường gây nhiều thiệt hại; tình hình thế giới biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường; áp lực lạm phát, rủi ro thu hẹp thị trường gia tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng... 

Nhờ vậy, sản xuất nông lâm thủy sản tiếp tục đạt được kết quả khả quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh với thặng dư thương mại 9 tháng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 với 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD. 

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2022 thu 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Chế biến sầu riêng xuất khẩu tại một doanh nghiệp của Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Giàu. 

Theo nhận định của Bộ NNPTNT, từ nay đến cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. 

Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam. 

Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây…). 

Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng Bộ NNPTNT vẫn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD (cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 5 tỷ USD).

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực thực phẩm (như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “zezo Covid”…); tăng cường hợp tác quốc tế; tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem