Việt Nam thử nghiệm thuốc mới trị COVID-19 công nghệ Pháp

08/09/2021 12:48 GMT+7
Bộ Y tế vừa công bố hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 của Pháp.

Mới đây, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với Công ty Xenothera (Pháp) về hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao cho Việt Nam công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 do Công ty nghiên cứu và phát triển, tờ Người lao động đưa tin.

Việt Nam hợp tác thử nghiệm, chuyển giao công nghệ thuốc điều trị COVID-19 công nghệ Pháp - Ảnh 1.

Việt Nam hợp tác thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 công nghệ Pháp. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Hỗn dịch truyền XAV-19 là kháng thể đa dòng chuyên điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 thể trung bình, được Xenothera phát triển dựa trên công nghệ sản xuất kháng thể bản quyền của hãng, kết hợp giữa bí quyết trong các lĩnh vực di truyền học và miễn dịch học. 

Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy thuốc đảm bảo tính an toàn và có hiệu quả tốt trong việc ngăn bệnh tiến triển xấu hơn, có tác dụng trung hoà virus và giảm viêm ở bệnh nhân.

Đặc tính đa dòng của thuốc XAV-19 được ghi nhận có hiệu quả chống lại các biến chủng virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện đến thời điểm này. Kháng thể đa dòng này cũng có khả năng tạo miễn dịch tức thời và ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào. 

Đây là khác biệt quan trọng so với các kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân ở giai đoạn mới nhiễm.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của XAV-19 hiện đang được thực hiện tại Pháp và một số quốc gia châu Âu (Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Tây Ban Nha…). 

Chủ tịch Xenothera cho biết hãng sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam và bày tỏ thiện chí trong việc trao đổi sâu hơn về việc chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể chủ động sản xuất trong tương lai.

Trước đó vào cuối tháng 5, Xenothera cũng đã nhận được đơn hàng của Bộ Y tế và Đoàn kết Pháp đặt trước 30.000 liều XAV-19, dự kiến bắt đầu cung cấp cho các bệnh nhân tại Pháp sau khi được phê duyệt sử dụng trong tình huống khẩn cấp.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ mà XAV-19 đã đạt được sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn 3 và tiếp nhận chuyển giao công nghệ với mong muốn sớm bổ sung được nguồn thuốc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 trong nước nếu thử nghiệm cho kết quả khả quan.

Bộ Y tế cũng cho biết: Xenothera là đối tác do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) tiếp cận, kết nối và giới thiệu hoàn toàn miễn phí để Bộ Y tế và các chuyên gia, đơn vị trong nước chủ động bàn bạc, đánh giá và tìm phương án hợp tác nhằm chủ động được nguồn cung thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

Ngay sau buổi làm việc trực tuyến, qua sự kết nối của AIC Group, một tập đoàn trong nước đã lập tức trao đổi các nội dung cụ thể và chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao công nghệ sản xuất XAV-19 với công ty Xenothera.

Thời gian qua, Việt Nam tăng cường tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm và đưa vào điều trị nhiều loại thuốc mới điều trị Covid-19. Nhiều loại thuốc hoàn toàn mới với cả thế giới, đang thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn 2 hoặc 3, nên Việt Nam triển khai thử nghiệm tiếp. Đơn cử như thuốc kháng virus molnupiravir, vừa trải qua thử nghiệm giai đoạn 2 tại TP HCM và Hà Nội.

Ngày 25/8, Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế đã chấp thuận báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc molnupiravir trong điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa tại bệnh viện, kết hợp chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát tại cộng đồng. Hội đồng Đạo đức cũng đồng ý tiếp tục triển khai nghiên cứu mở rộng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.

Thuốc này đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc bao gồm viên nang 200 mg, 400 mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất, dùng đường uống, ngày hai lần với liều dùng 1.600 mg/ngày. Hiện, viên nang molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất.

Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Theo Bộ Y tế, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia "cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong".

Ngoài molnupiravir, loại thuốc kháng virus đầu tiên được Việt Nam được sử dụng là remdesivir, dành cho bệnh nhân nặng, người trên 65 tuổi, béo phì đang điều trị ở bệnh viện.

Remdesivir là thuốc kháng virus, được FDA phê duyệt khẩn cấp tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Remdesivir có tác dụng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng. Thuốc đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Remdesivir sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch.

Hôm 3/9, TP HCM cũng đề xuất xem xét bổ sung hai thuốc là reamberin và cytoflavin vào phác đồ điều trị cho F0. Đây là thuốc dự kiến được viện trợ bởi Công ty Polysan (Nga) phục vụ phòng chống Covid-19 tại TP HCM. Trong đó, thuốc reamberin được chỉ định giảm oxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn thuốc cytoflavin chỉ định phòng chống đột quỵ thiếu máu cục giai đoạn cấp.

A.Vũ
Cùng chuyên mục