Vinamilk (VNM) lên kế hoạch lợi nhuận 2022 đi lùi, cổ tức 3.850 đồng/cổ phiếu

06/04/2022 16:18 GMT+7
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với doanh thu 64.070 tỷ đồng tăng gần 5%, lãi sau thuế 9.770 tỷ đồng, giảm 8% so với 2021.

Nếu không vượt kế hoạch đề ra, năm nay sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.

Năm 2021, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 60.919 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ và là năm đầu tiên vượt mốc 60.000 tỷ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm mạnh so với mức 46,4% của năm 2020 xuống còn 42,5% dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% so với năm trước xuống mức 10.633 tỷ đồng.

Công ty cũng sẽ trình cổ đông phương án trả cho năm 2021 tỷ lệ 38,5% bằng tiền mặt (3.850 đồng/cổ phiếu), tương ứng tổng giá trị 8.046 tỷ đồng. Vinamilk đã tạm ứng 29% cổ tức cho cổ đông vào ngày 30/9/2021 và 25/2. Cổ tức còn lại 9,5% còn lại (1.985 tỷ đồng) sẽ được chi trả vào ngày 19/8, ngày chốt danh sách là ngày 7/7.

Vinamilk (VNM) lên kế hoạch lợi nhuận 2022 đi lùi, cổ tức 3.850 đồng/cổ phiếu - Ảnh 1.

Nguồn: tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Vinamilk.

Mức cổ tức cho năm 2022 dự kiến vẫn là 38,5% bằng tiền, sẽ tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 15% vào ngày 19/8, chốt danh sách cổ đông vào ngày 7/7.

Về định hướng phát triển, Vinamilk vẫn tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu ngành sữa; đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; phát triển hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam; khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A, JV, hoặc đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ và đầu tư các dự án start-up khởi nghiệp phù hợp với chiến lược tăng trưởng của công ty, tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ.

Ngoài ra, trong chiến lược phát triển của mình, đơn vị này cũng sẽ phát triển hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới. 

Trong báo cáo thường niên 2021 của Vinamilk, trong năm 2026 công ty kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên đánh giá năm nay là một năm khó khăn, ngành sữa là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất khi giá nguyên vật liệu, thực phẩm, nông sản tăng cao. Sữa bò tươi chịu ảnh hưởng của giá thức ăn gia súc, đặc biệt là thức ăn tinh tăng 40-45%, mức tăng này diễn ra trên toàn thế giới. Cùng với đó, giá bao bì cũng tăng rất mạnh. Chiến tranh Nga – Ukraine, giá dầu tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến giá cước vận chuyển tăng cao lên mức chưa từng có.

Với mức tăng 2,2% so với năm 2020, doanh thu năm 2021 đạt 61.012 tỷ đồng, hoàn thành 98,2% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế là 10.632 tỷ đồng và thấp hơn 5,6% chỉ tiêu năm và giảm 5,3% so với năm trước.

Doanh thu thuần nội địa năm qua đạt 51.202 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ, doanh thu xuất khẩu trực tiếp 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2020 và doanh thu từ các chi nhánh nước ngoài ghi nhận 3.589 tỷ đồng, tăng 11%. Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông, Mỹ và Campuchia tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và duy trì đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đẩy mạnh mở mới chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt, số lượng mở mới năm qua là 120 cửa hàng và nâng tổng số cửa hàng tại thời điểm cuối năm lên gần con số 600. Đây là con số mở mới đáng chú ý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do các năm gần đây Vinamilk không đặt trọng tâm chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt, lượng mở mới bình quân 12 cửa hàng mỗi năm giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, Vinamilk hợp tác cùng Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) - công ty thành viên trong tập đoàn, để đầu tư và xây dựng nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.600 tỷ (gần 200 triệu USD), trên diện tích gần 25 ha, tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm được xây dựng dự kiến theo 2 giai đoạn.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong 2-3 năm tới, VNM không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù công ty đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Chiến lược mới như mở rộng sang các mảng khác kỳ vọng đến năm 2023-2024 mới có thể đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Sản xuất thịt bò được VCBS xem là mảng tiềm năng nhất để tăng trưởng cho Vinamilk từ năm 2023-2024. Mảng kinh doanh mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số sau khi hoạt động chính thức. Doanh thu từ thịt bò trong năm đầu tiên hoạt động có thể đạt 2.000 tỷ đồng. Trước mắt trong năm nay, Vinamlik sẽ thịt bò nhập khẩu từ Nhật Bản để bán.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên ngày 6/4, cổ phiếu VNM giảm 1,37% về 79.300 đồng/cổ phiếu.


A.Vũ
Cùng chuyên mục