Vốn hoá 58 nghìn tỷ đồng, cổ phiếu “ông lớn” Cao su Việt Nam có đổi vận trên sàn HoSE?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 01/08/2019 15:30 PM (GMT+7)
Hiện tại mức vốn hóa của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) là 58 nghìn tỷ đồng, nếu xét ở mức vốn hóa này khi chuyển sang sàn HoSE thì GVR đang đứng thứ 16 công ty có mức vốn hóa lớn nhất. Liệu điều này có giúp GVR đổi vân, thoát khỏi cảnh “lẹt đẹt” ở mức giá 13.000 - 14.000 đồng/CP?
Bình luận 0

Theo báo cáo mới nhất, hiện GVR có tới 106 công ty con và 20 công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, Tập đoàn này đang có sở hữu chéo tại 19 doanh nghiệp, trong đó có 7 công ty trong nước và 12 công ty nước ngoài.

img

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, GVR đã thông qua kế hoạch chuyển sàn sang HoSE (Ảnh: Quốc Hải)

Chuyển sàn HoSE, có… “đổi vận”?

Liên tục thời gian gần đây, giới đầu tư chứng khoán liên tục nhận được khuyến nghị mua vào mã cổ phiếu GVR của các broker đến từ nhiều công ty chứng khoán. Theo nhiều broker, dường như việc nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước như ACV, GVR, BSR… sẽ phải chuyển sàn sang HoSE là điều tất nhiên để thực hiện mục tiêu của Chính phủ là phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) năm 2020 đạt 100 % GDP.

Lê Thị Th H, một broker của Công ty CP Chứng khoán MB, chia sẻ: “GVR đã niêm yết hết 4 tỷ cổ phiếu (cổ đông nhà nước nắm giữ 98% vốn của GVR)  hiện tại vốn hóa của GVR khoảng 50 ngàn tỷ đồng - là một trong những cổ phiếu có mức vốn hóa rất lớn. GVR có kế hoạch chuyển sàn sang HoSE trong Q3/2019 thì các quỹ tracking theo chỉ số sẽ phải buộc mua GVR, lúc đó GVR có thể trở thành 1 siêu trụ của HoSE. Broker kỳ vọng GVR sẽ có mức giá khoảng 25 - 30 nghìn đồng/CP trước khi chuyển sang sàn HoSE và trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn tại HoSE”.

Để thuyết phục nhà đầu tư, broker này dẫn chứng, GVR đã được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước (SCIC), nên nhớ những cổ phiếu được bàn giao về SCIC đều hình thành 1 con sóng lớn, chẳng hạn như HVN hay ACV, trước khi về ủy ban quan lý vốn nhà nước thì HVN đã tăng từ 20.000 đồng/CP lên 70.000 đồng/CP, ACV cũng tăng từ 40.000 đồng/CP lên 120.000 đồng/CP…

“Hiện tại mức vốn hóa của GVR là 58 nghìn tỷ đồng, nếu xét ở mức vốn hóa này khi chuyển sang sàn HoSE thì GVR đang đứng thứ 16 công ty có mức vốn hóa lớn nhất. Nhưng em đánh giá khi GVR chuyển sàn sẽ kéo lên lọt vào Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất HoSE. Như vậy các quỹ tracking theo chỉ số sẽ phải mua rất nhiều GVR và những quỹ lớn trên thị trường không muốn bị underperform (giá kỳ vọng thấp hơn giá thị trường) thì sẽ phải mua vào GVR trước. Đây chỉ là khởi đầu cho 1 xu hướng mua ròng của các quỹ khi GVR chuyển sàn niêm yết HoSE”, broker này nhận định.

img

Khai thác mủ cao su đang chiếm 59% cơ cấu doanh thu của GVR (Ảnh: IT)

Đây chỉ là một trong hàng chục khuyến nghị mà người viết nhận được từ các broker của nhiều công ty chứng khoán khi nói về cổ phiếu GVR. Vậy thực tế, GVR đang làm ăn thế nào?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 vừa được công bố, lũy kế 6 tháng, GVR đạt doanh thu 7.616 tỷ đồng, tăng 8,5% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đạt 1.272 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đạt 1.059 tỷ đồng, tăng 15,7% cùng kỳ năm trước.

Kết quả này, nếu so với kế hoạch mà tập đoàn đặt ra năm 2019 là 24.224 tỷ đồng doanh thu và 4.150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thì sau 6 tháng qua, tập đoàn mới hoàn thành 25,5% kế hoạch năm.

Tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt 76.058 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi 10.661 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.100 tỷ đồng. Nợ phải trả cuối kỳ của GVR 26.284 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn 2.800 tỷ đồng, giảm 565 tỷ đồng so với đầu năm; nợ dài hạn 9.750 tỷ đồng, giảm 280 tỷ đồng.

Đáng chú ý, GVR có khoản mục doanh thu cho thuê hạ tầng, khu dân cư chưa thực hiện dài hạn giá trị gần 8.000 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của GVR là 49.775 tỷ đồng, trong đó riêng vốn cổ phần 40.000 tỷ đồng. Tại thời điểm kết thúc quí II, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của GVR hơn 3.126 tỷ đồng.

GVR đang có gì?

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo GVR cho biết, tập đoàn đang quản lý 407.800ha diện tích cao su trong và ngoài nước, trong đó hơn một nửa là diện tích cao su kinh doanh. Tập đoàn cũng có quy mô gồm 106 công ty con và 20 công ty liên doanh liên kết với tổng giá trị đầu tư hơn 37.200 tỷ đồng. Trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, GVR chiếm hơn 35% sản lượng của Việt Nam.

Về phát triển trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ, GVR có thế mạnh với diện tích cao su thanh lý bình quân hơn 10.000 ha/năm, đồng thời GVR hiện có 13 nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ, trong đó gỗ ghép tấm chiếm 60% nguồn cung thị trường, ván MDF chiếm 50% thị phần trong nước. Mỗi năm, GVR có thể cung cấp ra thị trường gần 1 triệu m3 gỗ nhân tạo thành phẩm cao cấp.

img

Lịch sử giao dịch cổ phiếu GVR trong vài tuần trở lại đây...

Ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, hiện nay GVR đang quản lý 12 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 6.000 ha. Đất thương phẩm cho thuê gần 4.400 hecta được thực hiện trên quỹ đất trồng cao su chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của địa phương… Đặc biệt, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, ông Huỳnh Văn Bảo, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc GVR chia sẻ, tập đoàn đang triển khai bàn giao cho địa phương khoảng 350 ha để thực hiện dự án tái định cư của sân bay Long Thành và tiếp tục bàn giao trong năm 2019 và 2020 với diện tích 2.100 ha.

“Đất dự án sân bay Long Thành có giá đền bù khoảng 600 triệu đồng/ha đối với cây cao su, tiến độ bàn giao hoàn chỉnh trước tháng 10/2020, nên đây sẽ là một nguồn tài chính tốt cho GVR”, ông Bảo cho biết.

Một vấn đề không thể không thể không nhắc đến tại GVR là phải xử lý tình trạng sở hữu chéo giữa các công ty thành viên. Hiện GVR đang có sở hữu chéo tại 19 doanh nghiệp, trong đó có 7 công ty trong nước và 12 công ty nước ngoài. Để giải quyết tình trạng này, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT GVR cho biết: Cách đơn giản nhất là thực hiện việc bán cổ phần của Công ty mẹ hoặc của công ty con. Dù vậy, thực tế có những khó khăn nhất định. Thứ nhất, rất khó bán hoặc bán được sẽ không hiệu quả với các công ty hiện trong giai đoạn đầu tư cơ bản. Do đó, hướng xử lý là chuyển công ty con thành công ty TNHH một thành viên đối với các đơn vị phía Bắc, sau khi các công ty này hoạt động ổn định sẽ bán cổ phần ra công chúng.

Với các công ty tại nước ngoài, việc chuyển sở hữu tại 12 công ty tại nước ngoài hiện nay sẽ gặp vấn đề về thuế chuyển nhượng. Hiện giá cao su đang thấp, mức giá bán khó đạt hiệu quả. Sau khi Uỷ ban phê duyệt, GVR sẽ thực hiện việc thoái vốn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem