Vốn hóa bốc hơi 11,5 tỷ USD, nhà đầu tư "choáng váng": UBCKNN lên tiếng "cảnh tỉnh"

Huyền Anh Thứ tư, ngày 13/04/2022 16:17 PM (GMT+7)
Mặc dù VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên ngày hôm nay, song 3 phiên giảm điểm trước đó vẫn khiến cho nhà đầu tư "choáng váng". Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường vẫn tích cực, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn.
Bình luận 0

Sau các vụ khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhiều tin đồn liên quan tới các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên sàn đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán trong nước chao đảo với 3 phiên lao dốc liên tiếp, đẩy VN-Index từ vùng đỉnh 1.530 điểm về 1.455 điểm và thử thách vùng hỗ trợ 1.440 điểm.

Thậm chí, trong phiên giao dịch ngày hôm qua (12/4), tình trạng còn tồi tệ hơn khi có tới 850 mã giảm trên toàn thị trường, với gần 100 mã giảm sàn, thổi bay hơn 105.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Nếu tính 3 phiên gần đây, vốn hóa HOSE đã bốc hơi hơn 260.000 tỷ đồng, tương ứng 11,5 tỷ USD.

Dù trong phiên giao dịch hôm nay (13/4), VN-Index đã hồi phục trở lại sau 3 phiên lao dốc liên tiếp, song nhà đầu tư vẫn chưa hết "sốc" khi tài khoản bốc hơi tiền tỷ và khi "bão tin đồn" quét qua trong các phiên giao dịch gần đây.

Xung quanh một số diễn biến trên thị trường chứng khoán, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có trao đổi, chia sẻ thông tin với báo giới.

Vốn hóa bốc hơi 11,5 tỷ USD, nhà đầu tư "choáng váng": UBCKNN lên tiếng "cảnh tỉnh" - Ảnh 1.

Bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Nguồn: UBCKNN

Thưa bà, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong diễn biến đi ngang khi tâm lý của nhà đầu tư đang có vẻ rất thận trọng bởi nhiều thông tin sự vụ và tin đồn. Bà đánh giá thế nào diễn biến thị trường cổ phiếu trong giai đoạn quý I và hiện nay?

- Tiếp nối đà tăng của năm 2021, TTCK Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng tích cực trong những tháng đầu năm 2022. Chỉ số VN-Index tăng tốt và thiết lập định mới tại 1.528,48 điểm.

Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay, thị trường đang có nhịp điều chỉnh, đi ngang và giảm nhẹ trong bối cảnh các yếu tố rủi ro từ ngoại biên tác động như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, hay xung đột bất ngờ nổ ra ở Nga – Ukraine.

Những yếu tố ngoại biên đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là năng lượng. Những yếu tố đó tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam là không ngoại lệ dù được đánh giá không quá lớn.

Diễn biến của TTCK Việt Nam cũng có sự tương đồng với các thị trường quốc tế. Những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu. Nhiều TTCK châu Âu, Mỹ và một số thị trường châu Á cũng biến động mạnh và theo chiều hướng giảm.

Bên cạnh đó, TTCK trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể, hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản,… khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.

Dù vậy, triển vọng tích cực của nền kinh tế, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 vẫn là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp TTCK tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu. Tính cho cả quý I/2022, chỉ số VN-Index giảm -0,4% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là trong tháng 3 vừa qua, Số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 271.619 tài khoản. Lũy kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản, chính thức cán chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5% dân số trước 3 năm.

Dù thị trường được dự báo là chưa thể thoát khỏi xu thế đi ngang trong ngắn hạn, tuy nhiên, nhìn về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức hấp dẫn. Theo bà, đâu là các yếu tố nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại sẽ hỗ trợ thị trường tăng trưởng trong năm 2022?

- Mặc dù, biên độ dao động và nhịp độ biến động có thể sẽ lớn hơn, song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Theo đó, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. Số liệu công bố chính thức cũng đã cho thấy, tăng trưởng GDP quý I đã tăng khá mạnh trở lại, đạt 5,03%.

Đồng thời, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK.

Bên cạnh đó, sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Riêng với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về trong lĩnh vực thuế, hải quan, … để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, nhiều chính sách đã được Bộ Tài chính kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường và đã chứng minh được hiệu quả trong bối cảnh tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 vừa qua.

Vốn hóa bốc hơi 11,5 tỷ USD, nhà đầu tư "choáng váng": UBCKNN lên tiếng "cảnh tỉnh" - Ảnh 3.

Các yếu tố nền tảng vẫn tốt, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn. (Ảnh: VTC)

Về các yếu tố nội tại của TTCK, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ.

Tính đến ngày 31/3/2022 có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo.

Trong đó, 1.156/1.293 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%.

Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho "đặc sản riêng có" so với nhiều thị trường khu vực, như: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, ...

Dòng tiền trên thị trường năm 2022 kỳ vọng sẽ tiếp tục tích cực từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi các rủi ro trên toàn cầu giảm bớt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các thị trường có tiềm năng và có các yếu tố riêng có như Việt Nam.

Đối với dòng tiền nội, dù tăng mạnh trong thời gian qua, song TTCK Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực, TTCK Việt Nam vẫn có thể đối diện với không ít những rủi ro, thách thức.

Theo đó, trên thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, rủi ro như: biến chủng Covid-19 mới; các gói kích thích kinh tế cắt giảm; xu hướng lãi suất tăng; áp lực lạm phát; căng thẳng địa chính trị; …

Đối với các yếu tố trong nước, dù triển vọng tích cực, nhưng Covid-19 vẫn là yếu tố bất định, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá năng lượng tăng mạnh,… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN

Trong bối cảnh thị trường rất dễ bị tác động từ những thông tin bên ngoài hoặc mang tính sự vụ, hay tin đồn thất thiệt, bà có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?

- Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 công điện trong đó đã chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Về phía cơ cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt UBCKNN và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK.

Thời gian qua, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm. Điển hình là các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng vì có hành vi thao túng TTCK, hay sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường; đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường.

Mặt khác, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường,…

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, TTCK Việt Nam 2022 vẫn được đánh giá khả quan, do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

Xin cảm ơn bà!

"Với việc Vn-Index sắp chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh của nền tảng tích lũy 6 tháng (vùng tích lũy 1425-1530), chúng tôi kỳ vọng đà giảm của thị trường có thể sẽ chững lại, thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn và phục hồi khi Vn-Index về vùng 1425-1450 điểm.

Nếu đang nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo, ngược lại có thể xem xét mua vào bình quân giá hoặc giải ngân mới khi Vn-Index rơi xuống dưới 1440 và có tín hiệu hồi phục".

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội - SHS)

Ở khía cạnh phân tích kỹ thuật chúng tôi nhận thấy thị trường vẫn đang trong vùng Sideway (Đi ngang) được thiết lập từ tháng 1/2022 tới nay trong biên độ 1420-1535 của VN-Index.

Hiện chúng tôi chưa nhận thấy rủi ro để vỡ vùng hỗ trợ 1400-1420 điểm của VN-Index nên theo chúng tôi chỉ số vẫn đang hoạt động khá bình thường trong vùng Sideway.

Trong vòng 3 tháng qua chúng tôi đã chứng kiến nhiều đợt giảm với tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi về vùng hỗ trợ trên nhưng sau đó tâm lý lại trở nên hưng phấn đưa chỉ số lên lại vùng cận trên 1535 của kháng cự.

Do đó, chúng tôi cho rằng việc cố gắng bán đuổi các cổ phiếu bất chấp yếu tố cơ bản trong các phiên tới có thể gặp bất lợi tương tự.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư trung hạn chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để chọn lọc nhằm gia tăng trạng thái cổ phiếu nhưng nên có kế hoạch giải ngân chậm theo đà giảm và hạn chế dùng vay nợ khi thị trường đang trong giai đoạn rủi ro ngắn hạn".

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem