Vụ án AVG sẽ tạo tiền lệ cho xét xử tham nhũng sau này
Trả lời PV, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng vụ án liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG đã “phá vỡ” những kỷ lục trong lịch sử tố tụng khi số tiền tham nhũng bị phát hiện lên tới hàng triệu USD, 2 đời bộ trưởng cùng vào tù...
Thương vụ MobiFone mua Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cũng như khoản tham nhũng hàng triệu USD trước nay chưa có. 4 bị cáo trong vụ án này nhận hối lộ khoản tiền lên tới hàng triệu USD và đều bị truy tố ở khung tử hình, song cáo trạng của Viện KSND tối cao khi quy buộc hành vi của các bị cáo đều đề nghị áp dụng chính sách pháp luật để giảm nhẹ hình phạt, ông nhìn nhận thế nào về đề nghị này?
Đây là quyền của các cơ quan tố tụng. Dĩ nhiên, quyền này phải được nằm trong quy định pháp luật và phải có căn cứ về pháp lý.Đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng nói chung, khi quyết định hình phạt, tòa sẽ cân nhắc kỹ lưỡng vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đặc biệt là việc hợp tác với cơ quan tố tụng trong khắc phục tài sản đã chiếm đoạt, khắc phục càng cao thì càng có cơ hội để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Điều 40 bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình cũng quy định rõ người phạm tội tham ô tài sản nhưng chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không thi hành án tử hình với họ. Tuy nhiên, trong vụ án này, tôi được biết chỉ có một số người khắc phục phần lớn tài sản tham ô thì có thể xem xét, còn có những trường hợp như ông Nguyễn Bắc Son chỉ nộp lại được khoản tiền nhỏ thì khó mà được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son khai đã nhận hối lộ 3 triệu USD nhưng đến nay cơ quan tố tụng chỉ kê biên, phong tỏa được 1 căn nhà và khoản tiền gần 600 triệu đồng. Vậy theo luật định, có cách nào để thu hồi tài sản tham nhũng?
Về vấn đề này, các cơ quan tố tụng sẽ phải chứng minh ông Son khai phần lớn khoản tiền nhận hối lộ đã đưa cho con gái, nhưng con ông ta không nhận thì cơ quan chức năng phải xem xét con gái ông ta có tài sản ra sao, kinh doanh đầu tư cái gì, khả năng tài chính như thế nào. Tôi nghĩ cơ quan tố tụng đủ khả năng để làm việc đó.
Thưa ông, đây là một vụ án rất đặc biệt khi các bên đã hủy hợp đồng, hoàn trả 100% tiền cho nhà nước, tình huống này được nhìn nhận như thế nào?
Trong vụ án này có nhiều hành vi và hậu quả khác nhau, việc hoàn trả 100% tiền nhà nước được coi là khắc phục hậu quả. Việc một vụ án kinh tế, tham nhũng đã khắc phục được triệt để về hậu quả thì có thể áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo liên quan.
Trước đây, bị cáo Phạm Nhật Vũ và các bị cáo từng được cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách “hình sự đặc biệt” nhưng bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định nào về chính sách này, mà chỉ có chính sách khoan hồng. Do đó, đến nay theo tôi biết thì cơ quan tố tụng cũng đã nhìn nhận ra việc này nên trong cáo trạng của Viện KSND tối cao không còn đề nghị này nữa. Tuy nhiên, về trường hợp này tôi cho rằng nếu có đủ cơ sở thì nên áp dụng giảm nhẹ bởi bị cáo đã khắc phục được hậu quả khi hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền cổ phần đã bán cho MobiFone, tất nhiên bị cáo sẽ không thể thoát khỏi trách nhiệm hình sự. Việc xử lý này cũng là để tạo ra tiền lệ cho những vụ án khác dưới góc độ một vụ án kinh tế tham nhũng khắc phục được hậu quả.
Mặt khác, từ vụ án này chúng ta cũng cần cân nhắc để sửa luật làm sao có thêm về chính sách hình sự trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trước đây, khi tham gia sửa đổi luật phòng chống tham nhũng, bộ luật hình sự, tôi đã đề xuất tùy theo giai đoạn, tình hình nộp lại mà có thể có những hình thức xử lý đặc biệt. Thậm chí, tôi đã từng đưa ra ví dụ rất cụ thể là ở Nga, trước khi vụ án được phát hiện mà hoàn trả thì không truy tố, nếu khởi tố rồi mới hoàn trả nhưng hoàn trả phần lớn thì được miễn giảm đặc biệt, coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt khi xét xử.
Thực tiễn từ đấu tranh tội phạm kinh tế tham nhũng cho thấy việc thu hồi tài sản rất gian nan, tỷ lệ rất thấp, có những vụ án mà nhà nước, người dân mất trắng cả ngàn tỉ đồng, như vụ Trần Bắc Hà chết, sẽ phải đình chỉ điều tra. Những vụ như thế này lẽ ra phải đề nghị Viện KSND thay mặt nhà nước khởi kiện dân sự đòi lại tài sản. Nếu tài sản chuyển sang người thừa kế thì người đó phải chịu trách nhiệm mà hoàn trả lại, các nước đều làm nhưng chúng ta chưa có.