Vụ cây phượng đổ trong sân trường, nhiều HS thương vong: Ai phải đền bù?

Phong Vân Thứ tư, ngày 27/05/2020 14:13 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, trách nhiệm trong vụ việc cây phượng đổ tại Trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) thuộc về nhà trường và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến công tác chăm sóc, kiểm tra và bảo vệ cây cối.
Bình luận 0

Như đã thông tin, sáng 26/5, cây phượng lâu năm tại khuôn viên Trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM) bật gốc đè nhiều học sinh đang vào lớp. Vụ việc khiến em N.T.K (12 tuổi) tử nạn.

Vụ cây phượng đổ trong sân trường: Ai phải đền bù? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc. Ảnh: Đình Việt

Ngoài ra, sự cố còn khiến 14 học sinh khác bị thương, 3 học sinh trầy xước nhẹ. Giám đốc Trung tâm 115 TP.HCM Nguyễn Duy Long cho biết, có 3 học sinh bị thương nặng được phẫu thuật xong, sức khỏe đã ổn định.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là sự việc hết sức đau lòng và hậu quả cây phượng vĩ đổ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho học sinh trong giờ nghỉ giải lao là điều không ai mong muốn.

Luật sư cho biết, tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy định về tiêu chuẩn đối với cây xanh trồng trong đô thị thì cây xanh được trồng trong trường học cần có những tính chất và đặc điểm: Cây cao to, tán rộng, cho bóng râm tốt, gây ấn tượng mạnh, cây trồng phải có bảng ghi tên, ngày tháng trồng, xuất xứ. Hạn chế trồng các loại cây ăn quả, không chọn cây có gai, nhựa, mủ độc như cà dại, thông thiên, dứa dại và các loại cây hấp dẫn ruồi muỗi như cây si, đa, đề.

Vụ cây phượng đổ trong sân trường: Ai phải đền bù? - Ảnh 2.

Một học sinh bị thương được cha mẹ đến đón về. Ảnh: Đình Việt

Cây phượng vĩ là loại cây được cơ quan chức năng có thẩm quyền khuyến nghị trồng trong trường học bởi tính chất loại cây cũng như hình ảnh truyền thống mà nó mang lại.

Về trách nhiệm quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong đô thị của các cá nhân, tổ chức  phải  thực hiện theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Thông thường đối với cây xanh được trồng tại nơi công cộng trong đô thị, trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và kiểm tra thuộc về cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý cây xanh đô thị hoặc các đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh được giao theo hợp đồng.

Tuy nhiên, với những cây xanh được trồng trong trường học, đây là loại cây xanh được coi là loại cây sử dụng hạn chế trong đô thị quy định tại Điều 16 Nghị định 64/2010/NĐ-CP sẽ do cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ việc trên, nhiều khả năng cây phượng không chỉ bị đổ ngã, bật gốc do rễ cây yếu, đất mềm mà qua những hình ảnh ghi lại hiện trường cũng cho thấy thân cây phượng này cũng đã có dấu hiệu mục ruỗng. Và, việc để xảy ra hậu quả này do công tác bảo vệ, kiểm tra cây xanh đã không được thực hiện đúng mức.

Trách nhiệm trong việc này sẽ thuộc về nhà trường và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến công tác chăm sóc, kiểm tra và bảo vệ cây cối trong nhà trường.

Với cương vị là Hiệu trưởng, một người có trách nhiệm trong việc điều hành hoạt động, chỉ đạo công việc của nhà trường thì trách nhiệm trong vụ việc là không thể tránh khỏi và buộc phải biết về độ an toàn của cây trong khuôn viên trường.

Hiện trường vụ cây phượng đổ trong sân trường ở TP.HCM, một học sinh tử vong. Clip: Đình Việt

Về trách nhiệm bồi thường, vị luật sư cho biết, tại Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp cây cối có nguy cơ đổ xuống khu vực xung quanh thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý tài sản phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây để bảo đảm an toàn.

Trường hợp để gây thiệt hại cho người khác, chủ sở hữu, người chiếm hữu quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này sẽ phải được thực hiện theo nguyên tắc được quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, để biết được trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại đến đâu cần phải dựa trên kết quả của cơ quan chức năng trong quá trình làm việc để làm rõ trách nhiệm của các bên và có hướng xử lý phù hợp.

Taị cuộc họp báo sau sự việc cây phượng bật gốc trong sân trường chiều 26/5, ông Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau vụ việc, học sinh trong trường vẫn học bình thường. Trường đã cử giáo viên thăm hỏi, động viên tâm lý những em bị chấn thương.

“Tôi mới về trường công tác được 3 năm. Cây phượng bị đổ được trồng năm 1996, hàng năm trường đều liên hệ với Công ty cây xanh để kiểm tra. Trong mùa dịch vừa qua, trường vẫn chăm sóc cây, cho thay đất bón, cắt tỉa những cành không an toàn. Sự việc xảy ra rất bất ngờ. Tối qua (25/5) có mưa nhưng sáng đó thời tiết khá tốt, các em lớp 6/8 khi đó đang ngồi ăn sáng trước giờ lên lớp. Vị trí các em ngồi gần cổng bảo vệ, cây phượng ngã về hướng các em đang ngồi. Do đó, khi xảy ra sự cố, các em bị thương chủ yếu là lớp 6/8" - ông Phúc cho hay.

Cũng theo ông Phúc: "Những em chấn thương nặng được trường gọi cấp cứu đưa đi bệnh viện. Một số phụ huynh nóng lòng muốn bế các em đi ngay, nhưng chúng tôi sợ rằng xử lý không tốt các em sẽ bị nặng hơn nên phải chờ cấp cứu. Riêng em học sinh tử vong thì lúc mới tiếp cận em còn khá tỉnh táo, cô giáo đưa nước em uống và hỏi thăm, em chỉ nói mình hơi mệt. Lúc xe cấp cứu đến thì em đã mê man. Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu, hô hấp nhân tạo rồi chuyển đến Bệnh viện An Sinh nhưng em không qua khỏi".

Trước câu hỏi do báo chí đặt ra, cây phượng bật gốc, ngã đè học sinh, trách nhiệm thuộc về ai; ông Phúc thẳng thắn: "Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là Hiệu trưởng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem