Vụ đại án AIC: Khu đất 4.000 m2 ở Hà Nội có được hủy kê biên?

Q.Trung Thứ bảy, ngày 31/12/2022 09:01 AM (GMT+7)
Tại tòa, người liên quan trình bày Công ty AIC và Nguyễn Thị Thanh Nhàn không còn liên quan đến khu đất 4.000m2 ở Hà Nội nên đề nghị HĐXX huỷ bỏ kê biên đối với khu đất. Vậy việc này sẽ được giải quyết thế nào?
Bình luận 0

Khu đất 4.000 m2 ở Hà Nội không còn thuộc Công ty AIC hay Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Trong vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu gây thiệt hại 152 tỷ đồng ở Bệnh viện Đồng Nai, cơ quan điều tra đã phong tỏa, kê biên nhiều tài sản của bà Nhàn và Công ty AIC.

Số này gồm 4 tài khoản có 107 tỷ đồng tại một ngân hàng và các bất động sản ở Hà Nội gồm: Biệt thự rộng 357m2 tại số 99 Trần Hưng Đạo; biệt thự rộng 453m2 tại 21 Nguyễn Huy Tự; 6 căn hộ tại chung cư cao cấp Pacific (quận Hoàn Kiếm).

Vụ đại án AIC: Khu đất 4.000 m2 ở Hà Nội có được hủy kê biên? - Ảnh 1.

Tại tòa, xuất hiện bên liên quan "đòi lại" khu đất 4.000m2 bị kê biên để thi hành án cho AIC. Ảnh: V.A

Ngoài ra, khu đất rộng hơn 4.000m2 tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cấp cho Công ty cổ phần Bất động sản AIC (công ty con của AIC) cũng bị kê biên.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX duy trì các biện pháp kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án gồm khu đất hơn 4.000m2 nói trên.

Chiều 27/12, đại diện Công ty Bất động Sản AIC, ông Lê Đức Thắng xuất hiện với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vị này cho rằng, khu đất 4.000m2 "từ lâu đã không còn là của Công ty AIC hay bà Nhàn".

Ông Thắng nói: "Ban lãnh đạo công ty rất ngạc nhiên khi nhận được quyết định kê biên khối tài sản trên. Đây là quyết định thiếu căn cứ pháp luật. Bà Nhàn không liên quan gì đến việc sở hữu khu đất trên, Công ty AIC cũng không có quyền gì với khu đất đó…"

Đại diện doanh nghiệp này đề nghị HĐXX huỷ bỏ việc kê biên đối với khu đất Xuân Đỉnh nói trên, để Công ty Bất động sản AIC có thể tiếp tục thực hiện dự án.

Có được hủy kê biên hay không?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, ông Lê Đức Thắng đề nghị HĐXX huỷ bỏ việc kê biên đối với khu đất trên có đúng quy định pháp luật?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng cần tiếp tục xác minh làm rõ chủ sử dụng đất đối với 4000m2 đất nêu trên là cần thiết để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự một cách khách quan, triệt để và đúng pháp luật nhất.

Đất đai là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, vì thế không khó khi xác định diện tích đất trên thuộc chủ sử dụng đất nào. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương cung cấp các thông tin tài liệu liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, các giấy tờ về quyền sử dụng đất để xác định chủ sử dụng đất thực sự đối với lô đất trên.

Ông Cường cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào hồ sơ địa chính, căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, sổ đăng ký dụng đất, sổ địa chính và các giấy tờ khác có liên quan để xác định chủ sử dụng đất.

Việc xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất nêu trên là rất quan trọng để xác định có phải là tài sản do phạm tội mà có hay không, có liên quan đến các bị cáo hay không. Từ đó có cơ sở để xử lý lô đất để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này là do phạm tội mà có, là tài sản của các bị cáo, đồng thời các bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì lô đất này sẽ tiếp tục bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Còn trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này không có liên quan đến tội phạm, xác định được chủ sử dụng đất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn để trả lại đất cho các chủ sở hữu hợp pháp theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho biết thêm, quy định về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo thi hành án là những nội dung đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định từ rất lâu nhưng ít có sự thay đổi.

Trên thực tế, biện pháp kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đôi khi chưa được chú trọng dẫn đến công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có chưa mang lại hiệu quả tích cực, hiện tượng tẩu tán tài sản trong quá trình tố tụng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều vụ án.

Nhiều trường hợp cơ quan điều tra không kịp xác minh tài sản, chưa kịp kê biên tài sản, các bị can đã nhanh chân bán, chuyển nhượng dẫn đến phần dân sự trong vụ án hình sự khó được thực thi trên thực tế.

Bởi vây, cần có những nội dung sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo những tài sản do phạm tội mà có, tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, những tài sản có liên quan đến tội phạm…cần phải được xác minh làm rõ kịp thời và có các biện pháp phong tỏa, kê biên, niêm phong để đảm bảo thi hành án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem