Vụ gang thép Thái Nguyên: Chưa làm đã ứng tiền, thiệt hại 830 tỷ đồng

08/02/2021 07:37 GMT+7
Nhóm bị can chấp nhận yêu cầu tăng giá từ Tập đoàn luyện kim Trung Quốc dù đơn vị này không thi công, đồng thời cung cấp thiếu vật tư… dẫn tới thiệt hại hơn 830 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.
Vụ gang thép Thái Nguyên: Chưa làm đã ứng tiền, thiệt hại 830 tỷ đồng - Ảnh 1.

Dự án mở rộng sản xuất tại Gang thép Thái Nguyên đã bị dừng hoạt động, nhiềuthiết bị trở thành sắt vụn

Chưa làm đã ứng tiền

Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 19 bị can trong vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong số này, có 8 bị can thuộc Tổng Cty thép Việt Nam (VNS) và 11 bị can thuộc TISCO. Dự án mở rộng của TISCO được triển khai năm 2007 với số vốn hơn 3.834 tỷ đồng và do VNS trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát… Đơn vị trúng thầu dự án năm 2007 là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), có trụ sở tại Bắc Kinh.

Để triển khai, TISCO đã ký với MCC hợp đồng trọn gói EPC trị giá hơn 160 triệu USD trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu, P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD. Nội dung EPC thể hiện, giá trị 160 triệu USD là không đổi và MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ và sửa chữa lỗi nếu có của dây chuyền luyện kim công suất 500.000 tấn phôi thép/năm... trong vòng 30 tháng. Ngoài ra, nhà thầu MCC phải nhận trách nhiệm toàn bộ về việc lường trước tất cả khó khăn và chi phí để hoàn thành công trình… Thời điểm tháng 8/2007, hợp đồng EPC chưa có hiệu lực nhưng TISCO đã cho phía MCC ứng hơn 35 triệu USD.

Thời điểm cuối năm 2008, tức 11 tháng sau khi hợp đồng có hiệu lực, tập đoàn luyện kim Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn nhà thầu phụ cũng như hoàn thiện thiết kế; không đặt hàng máy móc… và ngược lại, MCC rút hết người về nước đồng thời yêu cầu tăng giá trị hợp đồng EPC lên thêm 138 triệu USD. Lý do MCC đưa ra là thay đổi tỷ giá, thị trường thế giới biến động… Theo truy tố, các bị can tại TISCO biết rõ doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm hợp đồng và hoàn toàn có thể chấm dứt hợp tác, thu tiền tạm ứng và áp dụng điều khoản phạt. Tuy nhiên, nhóm này lại xin ý kiến để có thể chấp thuận yêu cầu tăng giá vô lý của phía MCC.

Bỏ qua tư vấn, cảnh báo

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ rõ, tăng giá theo đề xuất tạm tính là không có căn cứ; TISCO cần chấm dứt hợp đồng, xem xét hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại nhằm đảm bảo tiến độ dự án. TISCO còn thuê một hãng luật của Singapore và được tư vấn, MCC không thể đơn phương tăng giá hợp đồng do giá hợp đồng là trọn gói cố định; hợp đồng EPC cũng không có điều khoản về việc điều chỉnh giá do biến động tỷ giá hoặc tăng giá nguyên vật liệu... Hãng luật này khẳng định với TISCO: “Nếu MCC bỏ dở công trình sẽ vi phạm hợp đồng. TISCO có thể chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường… TISCO có cơ sở vững chắc trong việc chống lại MCC và các quy định của hợp đồng có lợi cho TISCO nếu MCC chấm dứt hợp đồng”.

Nhóm bị can trong vụ án đã bỏ qua tư vấn trên để đàm phán với tập đoàn Trung Quốc về việc tăng giá hợp đồng EPC vào tháng 4/2009. Tại đàm phán, phía MCC đề xuất phần C (xây lắp) phải tăng giá thêm gần 43 triệu USD, chi phí này do TISCO chịu. Để có cơ sở giải quyết, TISCO tiếp tục nhờ hãng luật của Singapore tư vấn và được trả lời việc tăng giá hợp đồng vì biến động giá nguyên vật liệu và biến động tỷ giá không phải là trường hợp bất khả kháng; MCC đã chấp nhận rủi ro này khi ký hợp đồng EPC.

Ngoài phần C, tập đoàn luyện kim Trung Quốc chỉ hoàn thành phần E (thiết kế) và được thanh toán gần 3 triệu USD (hơn 92%). Tại phần P (cung cấp), MCC còn thiếu 526 tấn thiết bị điện, tự động hóa, chịu lửa… trị giá 16 triệu USD nhưng vẫn được TISCO thanh toán hơn 107 triệu USD (93,86%).

Hãng luật này khẳng định: “MCC không thể đơn phương điều chỉnh và tăng giá hợp đồng. Họ cũng không thể chấm dứt hợp đồng với lý do giá nguyên vật liệu tăng cao hay tỷ giá biến động bất lợi cho họ. Nếu họ làm vậy sẽ vi phạm hợp đồng và sẽ phải có nghĩa vụ bồi thường cho TISCO”. Bất chấp tư vấn, phía TISCO và VNS đã chấp thuận tăng giá phần C (xây lắp) và chuyển hình thức từ hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá dù ở đó, TISCO phải chịu các chi phí vượt quá nếu có. Cáo trạng xác định, việc này đã dẫn tới tăng giá thi công dự án.

Ngoài phần C, tập đoàn luyện kim Trung Quốc chỉ hoàn thành phần E (thiết kế) và được thanh toán gần 3 triệu USD (hơn 92%). Tại phần P (cung cấp), MCC còn thiếu 526 tấn thiết bị điện, tự động hóa, chịu lửa… trị giá 16 triệu USD nhưng vẫn được TISCO thanh toán hơn 107 triệu USD (93,86%). Cùng với việc tăng giá hợp đồng, dự án bị kéo dài nên đã đội vốn từ tổng mức đầu tư ban đầu 3.834 tỷ đồng lên tới 8.104 tỷ đồng. Đến năm 2018, dự án chưa hoàn thành nhưng TISCO đổ vào đây hơn 4.423 tỷ đồng và dẫn tới thiệt hại hơn 830 tỷ đồng. Thiệt hại này là số tiền lãi TISCO phải trả cho các ngân hàng.


Lê Dương
Cùng chuyên mục