Vụ hai vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt 371 tỷ đồng: Khi nào việc vay mượn chuyển thành hình sự?

Q.Trung Thứ năm, ngày 08/12/2022 18:27 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã phân tích về vụ hai vợ chồng ở Quảng Nam vay mượn của nhiều bị hại với mục đích đáo hạn ngân hàng nhưng thực tế để trả gốc, lãi, sau đó chiếm đoạt.
Bình luận 0

Hai vợ chồng bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt 371 tỷ đồng

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Hoàng (51 tuổi) và Trần Thị Thanh Nguyên (56 tuổi, ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ hai vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt 371 tỷ đồng: Khi nào việc vay mượn chuyển thành hình sự? - Ảnh 1.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng Trần Văn Hoàng. Ảnh: CACC

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2004, hai vợ chồng Trần Văn Hoàng và Trần Thị Thanh Nguyên thành lập Công ty Hoàng Nguyên để kinh doanh tạp hóa.

Quá trình kinh doanh và mua bất động sản, Công ty Hoàng Nguyên đã thế chấp 27 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các ngân hàng để vay tiền từ nhiều cá nhân. Ban đầu hai vợ chồng đều trả tiền gốc, lãi đầy đủ.

Tuy nhiên, tháng 6/2022, hai vợ chồng mất khả năng trả nợ. Để có tiền trả, hai vợ chồng vay mượn của nhiều bị hại với mục đích đáo hạn ngân hàng nhưng thực tế để trả gốc, lãi cho ngân hàng, các cá nhân và kinh doanh sau đó chiếm đoạt, đến nay không có khả năng trả nợ.

Tổng số tiền hai vợ chồng Trần Văn Hoàng và Trần Thị Thanh Nguyên chiếm đoạt của các bị hại là 371 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam thông báo những ai là bị hại của vợ chồng Trần Văn Hoàng và Trần Thị Thanh Nguyên tiếp tục liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để trình báo.

Ranh giới giữa quan hệ dân sự và hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ án xuất phát từ giao dịch vay tài sản nên việc cơ quan điều tra chứng minh được tội phạm đòi hỏi phải rất thận trọng, công phu.

Theo quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến mức bị xử lý hình sự là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể.

Thông tin từ phía cơ quan chức năng cho hay, hai bị can trong vụ án này đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của rất nhiều người thông qua thủ đoạn vay tiền để đáo nợ ngân hàng.

Ông Cường phân tích, bản chất vay mượn tiền là quan hệ dân sự tự nguyện, pháp luật không cấm người nợ tiền ngân hàng vay tài sản để trả nợ cho ngân hàng, sau đó sẽ tiếp tục vay tiền của ngân hàng để trả nợ cho khoản vay nhằm kéo dài thời gian trả nợ, thường gọi là đảo nợ hay đáo hạn ngân hàng.

Nếu vay tiền rồi sử dụng sai mục đích nhưng không chứng minh được mục đích chiếm đoạt, vẫn chỉ là quan hệ dân sự.

Trường hợp người nào không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để vay tiền và nhận thức được rằng không thể trả nợ và không có ý định trả nợ, mới là hành vi lừa đảo.

Trong vụ án trên, nếu các bên thực hiện theo đúng cam kết, số tiền vay dân sự sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng và sau khi tất toán khoản vay, ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp.

Bên vay tiếp tục ký kết hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp để vay tiền, khi nhận được tiền vay từ ngân hàng thì trả lại tiền cho người cho vay đảo nợ trước đó, quan hệ dân sự này không có tranh chấp.

Tuy nhiên vì một lý do nào đó mà ngân hàng không cho vay tiếp, đây cũng vẫn chỉ là quan hệ dân sự, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với khoản vay mà người thế chấp đã nhận.

Vị chuyên gia cho rằng, vụ việc chỉ có thể cấu thành tội phạm nếu như người nợ tiền mất khả năng trả nợ, không có mục đích là sẽ trả nợ nhưng vẫn vay tiền, nhận tiền để sử dụng sai mục đích nhằm chiếm đoạt số tiền vay...

Vì thế, để chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra phải chứng minh được thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản trong quan hệ vay tài sản này.

Bởi, quan hệ dân sự vay tài sản chỉ chuyển thành quan hệ hình sự nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy việc nhận tiền thông qua thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt chính là số tiền đã vay.

Đặc biệt, thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản phải có trước thời điểm nhận tiền, người vay tiền mới phạm tội này.

Trong vụ việc nêu trên, theo ông Cường, theo thông tin ban đầu, trường hợp bị chứng minh có tội, các bị can có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ đường đi của dòng tiền để xác định bản chất của vụ án, sẽ làm rõ hành vi, nhận thức và ý chí của các bên đối với từng lần giao dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem