Vụ hủy hợp đồng giao khoán vườn chè ở Tuyên Quang: Thanh tra tỉnh vào cuộc

Vũ Thị Hải Thứ năm, ngày 11/03/2021 16:20 PM (GMT+7)
Thời gian qua, Báo Dân Việt có loạt bài phản ánh việc gia đình bà Nguyễn Thị Mùi (trú tại thôn Sông Lô 8 xã An Tường, nay là Tổ 17, phường An Tường), TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cùng nhiều hộ dân trồng chè kêu cứu vì bị hủy hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm khiến họ có nguy cơ mất trắng vườn chè.
Bình luận 0

Sau khi vụ việc được phản ánh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản giao Thanh tra tỉnh chủ trì, kiểm tra làm rõ nội dung báo chí nêu, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3/2021.

Đồng thời, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh xác minh nội dung đơn của ông Phạm Văn Đáp là chồng của bà Nguyễn Thị Mùi (cùng trú tại thôn Sông Lô 8 xã An Tường, nay là Tổ 17, phường An Tường), TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang tố cáo Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang.

Theo người dân phản ánh, Sở Tài chính Tuyên Quang đã thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thất thu ngân sách, làm thiệt hại tới quyền lợi của người dân khi ký hợp đồng cho thuê tài sản số 02 ngày 9/12/2011 cho công ty CP Chè Sông Lô thuê hàng trăm ha chè nhưng không tổ chức định giá tài sản. UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh xác định nếu đủ điều kiện thì thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/3/2021.

Vụ hủy hợp đồng giao khoán vườn chè ở Tuyên Quang: Thanh tra tỉnh vào cuộc - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mùi bên vườn chè của gia đình tại Tổ 17, phường An Tường, TP.Tuyên Quang.

Như Dân Việt đã phản ánh, năm 2009, Công ty Chè Sông Lô thực hiện cổ phần hóa. Tại Quyết định số 1449/QĐ-CT ngày 08/7/2009 về xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty chè Sông Lô để cổ phần hóa, UBND tỉnh Tuyên Quang xác định tài sản không đưa vào cổ phần hóa là toàn bộ diện tích trồng chè và ao hồ, chỉ cổ phần hóa nhà máy sản xuất. 

Tại Quyết định nói trên, UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính thực hiện việc cho  Công ty CP Chè Sông Lô thuê tài sản nhà nước (vườn chè) bằng việc ký kết hợp đồng cho thuê.

Thực hiện chủ trương nói trên, đáng lẽ ra Sở Tài chính phải thực hiện việc kiểm kê, định giá tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê để xác định chính xác năng suất vườn chè, trên cơ sở đó xác định giá cho thuê vườn chè.

Nhưng Sở Tài chính Tuyên Quang đã chỉ sử dụng số liệu báo cáo của Công ty CP Chè Tuyên Quang để làm căn cứ xác định năng suất vườn chè, từ đó xác định giá cho thuê thấp bằng một nửa theo quy định.

Vụ hủy hợp đồng giao khoán vườn chè ở Tuyên Quang: Thanh tra tỉnh vào cuộc - Ảnh 2.

Trụ sở Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang.

Đơn cử như vườn chè của gia đình ông Đáp (3 ha) hiện có năng suất từ 15 đến 17 tấn/ha, nhưng Sở Tài chính chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo của công ty CP chè Sông Lô, xác định năng suất dưới 5 tấn/ha, từ đó xác định giá cho thuê chỉ là 300.000 đồng/ha. Trong khi trên thực tế, phải là 600.000 đồng/ha đối với vườn chè có năng suất trên 5 tấn/ha.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, đại diện Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang cũng đã thừa nhận, khi ký kết hợp đồng giao khoán, Sở này đã không tổ chức định giá lại tài sản vườn chè trên thực tế mà chỉ căn cứ vào sổ sách, số liệu báo cáo của Công ty.

Vụ hủy hợp đồng giao khoán vườn chè ở Tuyên Quang: Thanh tra tỉnh vào cuộc - Ảnh 3.

Văn bản UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh đơn tố cáo của ông Phạm Văn Đâp.

Trong một diễn biến có liên quan, phiên tòa ngày 4/3/2021 xét xử phúc thẩm vụ án "Tranh chấp hợp đồng thuê khoán quyền sử dụng đất" thụ lý số 53/2020/TLPT-DS ngày 10/11/2020, nguyên đơn là Công ty Cổ phần chè Sông Lô và bị đơn là bà Nguyễn Thị Mùi đã được tạm ngừng theo yêu cầu của bị đơn để định giá lại tài sản.

Tại phiên tòa, đại diện của bị đơn nhiều lần tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không hủy hợp đồng giao khoán vườn chè bởi gia đình bà Mùi cũng như nhiều người dân khác ở đây cả đời gắn bó với nương chè; với họ vườn chè là kết tinh bao giá trị mồ hôi, công sức và tuổi trẻ, mất vườn chè, đồng nghĩa với việc mất đi một tài sản lớn lao cả về vật chất và tinh thần.

Để không bị hủy hợp đồng, tại tòa, gia đình bà Mùi cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc việc bán chè búp tươi cho Công ty CP Chè Sông Lô và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ khác theo đúng qui định của pháp luật.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Phạm Hồng Sơn- Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, mục đích khi UBND tỉnh Tuyên Quang cổ phần hóa Công ty Chè Sông Lô nhưng không cổ phần hóa vườn chè là để đảm bảo việc làm cho người lao động là những cán bộ, công nhân viên của nông trường trước đây đang nhận khoán đất trồng cây lâu năm có công ăn việc làm, ổn định đời sống.

Hiện nay, mục đích cho thuê đất đối với Công ty CP Chè Sông Lô cũng chưa thay đổi, vẫn là để trồng chè lấy nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến.

"Việc người dân trước đây có nhận thức chưa đúng, có chút vi phạm nhưng nay đã nhận thức lại, cam kết thực hiện đúng hợp đồng, bán chè cho công ty, không phá hủy vườn chè, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, là nguyện vọng chính đáng của người dân nên được cấp tòa phúc thẩm xem xét, có cơ sở để chấp nhận giữ nguyên hợp đồng giao khoán"- Luật sư Phạm Hồng Sơn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem