Vụ lô nhôm 4,3 tỷ USD "đội lốt" Việt đi Mỹ: Điều tra theo hướng lẩn tránh xuất xứ

06/11/2019 07:36 GMT+7
Liên quan đến việc xử lý lô nhôm 4,3 tỷ USD đội lốt Việt đi Mỹ, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã kiểm tra vụ việc và sẽ có hướng xử lý trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 vào tối 5/11, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã kiểm tra vụ việc cũng như đã có những giải đáp cụ thể trên các phương tiện truyền thông.

Theo đó, phía Bộ Công Thương cho rằng, vụ việc này nhiều người cho là có gian lận hay giả mạo xuất xứ, nhưng thực tế các lô hàng đều đáp ứng các điều kiện để được cấp C/O, thậm chí đáp ứng được cả quy định của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ quan hải quan Hoa Kỳ không đặt vấn đề điều tra gian lận hay giả mạo xuất xứ mà tiếp cận theo một hướng khác, cụ thể là "chống lẩn tránh".

Vụ lô nhôm 4,3 tỷ USD "đội lốt" Việt đi Mỹ: Điều tra theo hướng lẩn tránh xuất xứ - Ảnh 1.

Một góc kho nhôm liên quan đến vụ việc. Ảnh: Báo Tuoitre TP HCM.

Nghĩa là Việt Nam có thể sử dụng nhôm đùn từ nhiều nguồn để sản xuất sản phẩm nhôm, khi bán vào Hoa Kỳ sẽ được coi là hàng Việt Nam và được hưởng thuế 15%. Nhưng nếu sử dụng nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc thì dù quy trình sản xuất là giống hệt, vẫn bị coi là "lẩn tránh" và sẽ bị đánh thuế cao như hàng Trung Quốc.

Vì thế, Bộ Công Thương đã báo cáo vụ việc với Thủ tướng Chính phủ, thành lập đoàn kiểm tra, trong đó có đại diện của Tổng cục Hải quan, để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã có công văn gửi các tổ chức cấp C/O ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu để hướng dẫn và yêu cầu tăng cường quản lý công tác cấp C/O cho mặt hàng nhôm.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã trao đổi với Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát các biến động bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu nhôm, phát hiện các hành vi gian lận (nếu có) và đã nhận được sự phối hợp rất tích cực của lực lượng hải quan. Nhờ có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng nên thời gian qua đã không phát sinh tình huống phức tạp nào.

Đối với việc cấp C/O xuất xứ hàng hoá, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Thủ tướng rất lưu tâm vấn đề này. Trường hợp nếu không xử lý tốt thì sẽ thiệt hại lớn, trong khi quy định giá trị gia tăng là 30%, nhưng nếu lấy thương hiệu Việt để tận dụng giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng khi cấp C/O ở Bộ Công Thương, VCCI khi có chiến tranh thương mại phải tạo điều kiện về thủ tục xuất nhập khẩu, nhưng nếu cấp dễ dãi, không có kiểm tra thì phải chịu hệ quả lớn, không đảm bảo cán cân thương mại sẽ dễ dẫn tới rủi ro.

Vì thế, vị này cho rằng, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan chức năng phải xem xét đánh giá, trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng với 1-2 triệu USD thì không gọi là đầu tư mà là núp bóng đầu tư. Theo đó,  Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết về chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.

An Vũ
Cùng chuyên mục